Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 22:09 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non khu vực miền núi
Thứ 2, 19/08/2024 | 13:54:25 [GMT +7] A A
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Ninh, công tác giáo dục, chăm sóc trẻ mầm non ngày càng được quan tâm, chú trọng nhằm mang đến cho trẻ những điều kiện phát triển tốt nhất.
Là huyện miền núi có 13 trường mầm non, trong đó có 31 điểm trường lẻ, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non của Tiên Yên có nhiều chuyển biến tích cực.
100% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày, ăn bán trú tại trường; 100% các trường bổ sung sữa trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ; 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần; 100% các trường mầm non được công nhận trường học đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích; các bếp ăn đảm bảo các điều kiện về vệ sinh ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.
Trẻ mầm non được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, được cân đo theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng về chiều cao, cân nặng; 100% các trường mầm non thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Các trường thực hiện tốt công tác xây dựng trường mầm non xanh-sạch-đẹp-an toàn theo các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được trang cấp.
Để công tác giáo dục trẻ hiệu quả hơn, nhiều trường mầm non đã động viên khuyến khích giáo viên học tiếng dân tộc của trẻ với mục đích nghe hiểu trẻ, tạo cảm giác thân thiện gần gũi trẻ, giúp trẻ nhanh chóng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới. Trên cơ sở hiểu tiếng dân tộc của trẻ, giáo viên cung cấp tiếng Việt cho trẻ.
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Ba Chẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục.
Với những cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương, công tác giáo dục mầm non của Ba Chẽ đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đưa huyện trở thành một trong những địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm nhất tỉnh; hằng năm nâng tỷ lệ, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non (năm học 2023-2024, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%). Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú tại trường; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, khống chế trẻ em mắc hội chứng béo phì.
Tại huyện Bình Liêu, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Giáo dục huyện luôn nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Hiện 100% trẻ đạt được các mục tiêu giáo dục theo độ tuổi; riêng trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, 100% hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và được chuẩn bị tốt tiếng Việt khi bước vào lớp 1; 100% các trường mầm non đủ phòng học/nhóm lớp. Hiện toàn huyện có 131 phòng học/131 nhóm, lớp; trong đó có 127 phòng kiên cố ( đạt tỷ lệ 97%), 4 phòng bán kiên cố (3%). Trang thiết bị, đồ đùng, đồ chơi cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập cho trẻ.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non tại các huyện miền núi đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên với đặc thù của địa bàn vùng sâu, vùng xa, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Để trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, phát triển một cách toàn diện rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các bậc phụ huynh, sự quan tâm của ngành Giáo dục và các chính sách đầu tư của địa phương.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()