Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:01 (GMT +7)
"Chìa khóa" để phát triển nguồn nhân lực bền vững
Thứ 6, 23/07/2021 | 08:48:23 [GMT +7] A A
Sự phát triển nhanh chóng về KT-XH của Quảng Ninh đã kéo theo nhu cầu về nguồn lao động trong nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh ngày một lớn hơn. Đáng chú ý, không chỉ có nhu cầu về lao động phổ thông, các doanh nghiệp ngày càng cần đến lực lượng lao động chất lượng cao tại chỗ. Để chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng nhu cầu thị trường tuyển dụng lâu dài, Quảng Ninh đã và đang tập trung mạnh mẽ cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Thúc đẩy gắn kết "3 nhà"
Tỉnh Quảng Ninh đang có 42 cơ sở GDNN, bao gồm: 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp được phân bổ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cấp Trung ương quản lý 7 cơ sở và cấp tỉnh quản lý 35 cơ sở. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 14.640 người, đạt 39% kế hoạch năm và bằng 64,41% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng đạt 64 người; trung cấp 896 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 13.707 người.
Để công tác GDNN được triển khai hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo, nhằm phát triển quy mô đào tạo. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong GDNN. Nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan…
Đặc biệt, một trong những khâu hết sức quan trọng để tạo “lực đẩy” nâng cao chất lượng cho GDNN là việc liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp). Thời gian qua, đa số các trường đã hình thành các hình thức hợp tác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã quan tâm hơn trong công tác đào tạo của các trường, tích cực tham gia sâu vào đào tạo của nhà trường. Thông qua hoạt động của các chương trình phối hợp, chất lượng đào tạo của các trường đã từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Quảng Ninh đang chú trọng đến việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nên nhu cầu tuyển dụng là hết sức lớn.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp cùng Ban Quản lý KKT tỉnh, các địa phương và các cơ sở GDNN tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nguồn nhân lực, nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo đối với các cơ sở GDNN đảm bảo phù hợp với thị trường lao động của tỉnh.
Ông Châu Thành Hưng, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Tỉnh đang rất chú trọng thu hút các doanh nghiệp vào KCN, nhất là ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một trong những điều kiện để thu hút được doanh nghiệp chính là phải đáp ứng được nguồn lao động cả về số lượng và chất lượng. Theo ước tính, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp thứ cấp tại các KCN trên địa bàn tỉnh khoảng 28.000 lao động, chủ yếu là lao động trẻ, lao động phổ thông, chiếm tỷ lệ 92% nhu cầu tuyển dụng. Chính vì vậy, việc gắn kết đào tạo với thu hút, tuyển dụng lao động cần phải được tiếp tục chủ động và đổi mới hơn nữa về mọi mặt để đáp ứng được thị trường tuyển dụng.
Hiện nay các doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia hoạt động giao dịch việc làm được Sở LĐ-TB&XH tổ chức định kỳ ngày 10 và 25 hằng tháng tại các điểm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và các phiên giao dịch việc làm lưu động. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng đào tạo với cơ sở GDNN, cung cấp thông tin tuyển dụng ngắn hạn đối với các trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Công tác phối hợp với nhà trường trong tuyển dụng lao động bước đầu giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động hiện nay, nhất là tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực về cơ khí, kỹ thuật, công nghệ... Chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 121 ngành, nghề đào tạo được phân theo 7 nhóm. Nhóm vận hành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số tuyển sinh, chiếm gần 50%; nhóm điện, nước, sửa chữa cơ khí chiếm 7,44%; nhóm mỏ, hỗ trợ nghề mỏ chiếm 26,2%; nhóm du lịch, dịch vụ chiếm 8,71%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 3,54%; còn lại là các nhóm ngành, nghề khác. |
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Nhà trường luôn xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo là điều kiện quyết định để xây dựng và đáp ứng đội ngũ lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho học viên, lao động trong nhà trường luôn được đổi mới cả về chất và lượng để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp. Việc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp về xây dựng các chương trình đào tạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu vào, sức khỏe, xây dựng phương án tổ chức quản lý điều hình, phòng chống dịch bệnh… đều được nhà trường thực hiện quy củ, nghiêm túc, thông qua việc triển khai từng nhóm giải pháp riêng trong quá trình đào tạo. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tuyển sinh được 8.196 học viên, đạt 56% so với toàn tỉnh. Học viên sau ra trường đều được thực hành tại doanh nghiệp và định hướng đầu ra qua việc liên kết đào tạo.
Đón đầu xu hướng lao động
Có thể thấy, các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh qua các năm đều tăng trưởng. Theo đó, năm 2018 đạt trên 50%, năm 2019 đạt 63% và tới năm 2020 đạt trên 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã cung ứng giới thiệu tuyển dụng 28.584 lao động cho các doanh nghiệp, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Dự báo từ cơ quan chuyên môn, nhu cầu lao động của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 còn tiếp tục tăng cao. Riêng nhu cầu lao động cần có của tỉnh ước đến năm 2025 là khoảng 798.000 người và đến năm 2030 cần trên 874.000 người. Trong đó, tập trung ở một số ngành, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, công nghệ thông tin…
Vì vậy, để đáp ứng được nguồn lao động lâu dài, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống KT-XH, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm. Sự tác động này làm sẽ thay đổi cơ cấu lao động, bản chất và chất lượng của việc làm, vì vậy đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Bám sát các chỉ đạo, định hướng của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp, liên kết đào tạo trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động. Tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo. Tăng cường công tác truyền thông về GDNN, năng lực phân tích, dự báo, chủ động trong điều hành. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức khảo sát, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên, người lao động, nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()