Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:06 (GMT +7)
Tư pháp Quảng Ninh Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
Thứ 3, 09/01/2024 | 10:51:00 [GMT +7] A A
Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác tư pháp, ngành Tư pháp Quảng Ninh đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Toàn ngành đã triển khai quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong triển khai các văn bản chỉ đạo về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới; về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh các hoạt động thi đua tích cực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh; thực hiện chủ đề công tác năm...
Công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo chất lượng và tiến độ, hồ sơ thẩm định được cơ quan soạn thảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Các cơ quan Tư pháp thẩm định 113 dự thảo văn bản QPPL. Toàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 78 văn bản QPPL. Qua kiểm tra, Sở Tư pháp đã phát hiện 12 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL và đã kiến nghị xử lý theo quy định; các địa phương đã phát hiện 2 văn bản chưa phù hợp, đã yêu cầu cơ quan ban hành văn bản xử lý văn bản chưa phù hợp theo quy định. Thực hiện rà soát 107 văn bản QPPL; đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới sau rà soát đối với 50 văn bản; hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh; thực hiện rà soát văn bản QPPL trong các lĩnh vực theo chỉ đạo của Trung ương và công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương...
Bên cạnh đó, cơ quan Tư pháp các cấp đã tích cực tham mưu UBND cùng cấp tham gia các Tổ công tác, Hội đồng; nghiên cứu, rà soát văn bản QPPL trong nhiều lĩnh vực để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được chú trọng, tập trung vào phổ biến, tuyên truyền về các văn bản pháp luật mới, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực quản lý của các ngành, địa phương; các kế hoạch phổ biến văn bản pháp luật mới và triển khai các Đề án về PBGDPL nhất là 11 chuyên đề trọng điểm được quy định tại Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 của HĐND tỉnh quy định một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả, đến nay đã cập nhật trên 200 tin, bài thu hút gần 550.000 lượt truy cập. Toàn tỉnh đã tổ chức 5.953 cuộc tuyên truyền, phổ biến cho 709.249 lượt người tham dự (tăng 1.553 cuộc (40%) so với cùng kỳ năm 2022); tổ chức 24 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, cấp phát gần 2,9 triệu tài liệu.
Sở Tư pháp, các địa phương tiếp tục quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức 6 hội nghị phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS tại Hải Hà, Đầm Hà, Cô Tô với sự tham gia của 320 người gồm cán bộ, bí thư chi bộ, tổ trưởng các tổ hòa giải và hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng; Đông Triều tổ chức 5 lớp tập huấn cho 1.321 hòa giải viên toàn thị xã; Uông Bí đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn nghiệp vụ cho 100% các hòa giải viên; Tiên Yên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải cho 422 người... Toàn tỉnh hiện có 1.455 tổ hòa giải với 9.133 hòa giải viên; với sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 986/1.129 vụ (88,5%).
Cùng với thực hiện nhiệm vụ về xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, PBGDPL, các mặt công tác khác tiếp tục được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, nhiệm vụ Số hóa Sổ hộ tịch, xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh; giải quyết lượng lớn thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực, cung ứng tốt các dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, trợ giúp pháp lý, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp (trong đó đã cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 12.539 trường hợp, đăng ký khai sinh 15.178 trường hợp, đăng ký khai tử 5.835 trường hợp, đăng ký kết hôn 6.699 trường hợp; đấu giá thành 96 cuộc); tăng cường thanh, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp...
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, năm 2024, Tư pháp Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được Bộ Tư pháp xác định, và nhiệm vụ trong phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()