Tất cả chuyên mục

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện rất tích cực, hiệu quả (cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính). Với nhiều cách làm thiết thực, việc thu hút, giữ chân người tài đã giúp ngành Giáo dục tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN
Những năm qua, đội ngũ ngành Giáo dục tỉnh luôn có sự biến động về số lượng, chất lượng. Về cơ bản, đại bộ phận cán bộ, giáo viên, giảng viên của tỉnh được đào tạo chuẩn hoá, yêu nghề nghiệp, thương trò, tận tuỵ, hoàn thành trách nhiệm. Trình độ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng cao. Đội ngũ nhà giáo phủ kín các huyện, thị xã, thành phố, dù ở miền núi, hải đảo, hay vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Theo số liệu của Sở GD&ĐT, tính đến ngày 30-6-2017, toàn ngành có 20.834 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong số đó, trình độ sau đại học là 557 người; đại học là 11.182 người; cao đẳng là 5.444 người; trung cấp là 3.404 người; dưới trung cấp là 198 người.
![]() |
Thầy giáo Nguyễn Thành Long, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hạ Long, hướng dẫn sinh viên nhà trường nghiên cứu tài liệu. |
Tuy nhiên, đáp ứng sự phát triển của tỉnh, cùng với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đội ngũ nhà giáo ở một vài bậc học cũng có thời điểm gặp không ít khó khăn, bấp bênh cả về số lượng, chất lượng. Vẫn còn tồn tại sự chênh lệch, bất bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập; cơ cấu giáo viên trong một số cơ sở giáo dục vẫn còn hiện tượng thừa, thiếu cục bộ theo môn học; một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn chế về năng lực, chưa tích cực, chủ động trong nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tư duy về giáo dục, đào tạo của một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo còn chậm đổi mới... Riêng về giáo dục đại học, tỉnh hiện chỉ có 1 trường đại học trực thuộc UBND tỉnh là Đại học Hạ Long. Còn nhớ, cách đây gần 3 năm, khi mới thành lập, Trường có 334 người, trong đó chỉ có 3 tiến sĩ, 135 thạc sĩ, 136 người trình độ đại học. Hầu hết giảng viên của Trường khi đó chưa từng giảng dạy qua trình độ đại học. Bộ máy tổ chức còn mới, nhân sự từ 2 trường cao đẳng khác nhau với những cách làm việc khác nhau, nên ban đầu còn chưa hoà hợp. Hay như với giáo dục phổ thông, có thể kể tới câu chuyện Trường THPT Chuyên Hạ Long. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của Trường mấy năm trước tuy cơ bản đủ về số lượng, đội ngũ cốt cán được kiện toàn, cơ cấu tương đối hợp lý, tuy nhiên vẫn tồn tại sự bất cập. Cụ thể, năng lực chuyên môn không đồng đều, một số vị trí chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới; nhiều giáo viên trẻ, chưa được phát huy hết tiềm năng. Đội ngũ của Trường được đánh giá không ổn định, nhiều biến động, gây nên hiện tượng hẫng hụt đội ngũ tại một số thời điểm...
THU HÚT, GIỮ CHÂN NGƯỜI TÀI
Tháo gỡ những khó khăn đó, ngành Giáo dục tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo tỉnh xây dựng các chính sách hút nhân tài cho ngành. Trong đó, thành công nhất phải kể đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017. Đối với việc hỗ trợ một lần, mức cao nhất lên tới 700 triệu đồng. Đối với việc hỗ trợ hằng tháng, ngoài lương và phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành, tỉnh còn hỗ trợ theo các mức: Giáo sư - tiến sĩ được hỗ trợ tối đa 10 lần mức lương cơ sở/tháng; tiến sĩ 7 lần mức lương cơ sở/tháng; thạc sĩ 3 lần mức lương cơ sở/tháng. Nếu có nhu cầu về nhà ở, đất ở, các đối tượng thu hút còn được bố trí nhà ở công vụ tại cơ sở 1 của nhà trường (TP Uông Bí). Nếu có nhu cầu về đất ở, các đối tượng là giáo sư - tiến sĩ, phó giáo sư - tiến sĩ, tiến sĩ còn được tỉnh hỗ trợ tiền để tạo lập nhà ở tại TP Uông Bí hoặc TP Hạ Long, với mức hỗ trợ tối đa gần 5 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Long, một trong những đối tượng thu hút nhân tài, hiện là Trưởng khoa Ngoại ngữ của Trường, chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên. Sau khi học xong cao học ở Đại học Thái Nguyên, tôi nghiên cứu sinh ngôn ngữ Anh ở Newzealand. Ngay khi biết tỉnh Quảng Ninh có chính sách ưu đãi cho người về làm việc, tôi đã quyết định về đây để gắn bó công tác. Với sự ưu ái của tỉnh, tôi sẽ cống hiến hết sức cho công việc, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với các giảng viên trẻ trong công tác đào tạo ngôn ngữ Anh”. Theo ông Trần Trung Vỹ, Hiệu phó Trường Đại học Hạ Long, với chính sách thu hút của tỉnh, Trường đã thu hút được 5 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài chính sách của tỉnh, Trường cũng áp dụng chế độ thu hút riêng, nên cũng đã thu hút được 3 tiến sĩ (trong đó có 2 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài) và 2 thạc sĩ nước ngoài. Nhờ đó, hiện toàn Trường có 319 người, trong đó 15 tiến sĩ, 157 thạc sĩ, 107 đại học.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, Sở GD&ĐT đã thực hiện thu hút giáo viên từ nguồn sinh viên đại học sư phạm trọng điểm hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt từ các tỉnh ngoài cho Trường THPT Chuyên Hạ Long và các trường mũi nhọn của tỉnh. Theo ông Trịnh Đình Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long, năm 2016 Trường đã có 8 giáo viên từng thực tập, hợp đồng thử việc có năng lực cao, được đặc cách tuyển dụng vào Trường. Trong đó, có 2 giáo viên là người của các tỉnh khác. Đặc biệt, Sở còn tham mưu với tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với học sinh của tỉnh đã đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế theo học các trường sư phạm, cam kết và tình nguyện về công tác lâu dài tại tỉnh; ưu tiên tuyển dụng, phân công công tác cho các đối tượng này sau khi tốt nghiệp. Không chỉ vậy, ngành Giáo dục tỉnh còn tích cực tham mưu, đề xuất với T.Ư chế độ chính sách ưu đãi đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở cả miền ngược, miền xuôi có đức, có tài của ngành đều đã phần nào yên tâm công tác, bám nghề.
Với những cơ chế thiết thực, Quảng Ninh đã thu hút và giữ chân rất nhiều cán bộ, nhà giáo có đức, có tài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của tỉnh, góp phần phục vụ sự phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Và thu hút nhân tài chỉ là một trong nhiều cách mà ngành Giáo dục tỉnh đang thực hiện, góp phần thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Lan Anh
Bài 2: Đầu tư cho đội ngũ nhà giáo vùng khó
Ý kiến ()