Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 02:41 (GMT +7)
Đầm Hà: Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế
Thứ 7, 02/03/2024 | 14:22:00 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ đề công tác năm 2024, huyện Đầm Hà tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng tăng trưởng kinh tế...
Năm 2024, Đầm Hà đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 17,7%. Trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 15%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 17%; doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 21,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp là 37,5% - 30,3% - 32,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.350 USD. Thu ngân sách tăng 10% so với kế hoạch tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 18,8%.
Từ đầu năm, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các nghị quyết về chủ đề công tác năm của cấp trên; tổ chức quán triệt, triển khai đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
Huyện đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, như: Thành lập CCN phía Đông Đầm Hà B (xã Tân Bình) nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, thu hút đầu tư và phục vụ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản sớm đi vào hoạt động.
Đầm Hà hiện có 31 sản phẩm OCOP của 21 cơ sở sản xuất, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao. Để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập bền vững cho nông dân, năm 2024 huyện sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển; tiếp tục triển khai, quản lý tốt quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGap; triển khai Đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện.
Năm 2024 huyện phấn đấu trồng 770ha rừng tập trung; trong đó cây quế 136ha, lim, dổi, lát 114ha, keo 519ha. Để hoàn thành sớm kế hoạch trồng rừng, huyện giao chỉ tiêu cụ thể đến các xã và các chủ rừng; phát động Tết trồng cây năm 2024, gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động… Đến hết ngày 28/2 toàn huyện trồng được hơn 3ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây quế.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững, huyện đang đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm, như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Quảng An giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030; Dự án khu du lịch sinh thái đảo Đá Dựng…
Bà Chu Thị Hảo, Bí thư Đảng ủy xã Quảng An, cho biết: Thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Quảng An, năm 2024 xã sẽ tổ chức Chợ phiên Ba Nhất (1 tháng/lần), xây dựng thương hiệu "Miền Sán Cố"; vận động nhân dân ươm, trồng các giống hoa; thành lập và duy trì hoạt động các CLB may thêu trang phục dân tộc, hát sán cố; thành lập HTX Phát triển dịch vụ du lịch để tổ chức chương trình Ngày tránh gió cho đồng bào (4/4 âm lịch hằng năm) gắn với các hoạt động bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS trên địa bàn xã.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()