Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:34 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng y tế, đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ 2, 25/09/2023 | 08:00:28 [GMT +7] A A
Với quan điểm đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, trong suốt những năm qua, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh luôn quan tâm ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tạo dựng nền tảng cho ngành y tế Quảng Ninh không ngừng lớn mạnh và phát triển.
Để đáp ứng dịch vụ y tế tốt nhất
Những ngày này đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của CDC Quảng Ninh khá bận rộn, vừa nỗ lực đảm bảo công tác chuyên môn, vừa thực hiện dọn dẹp, sắp xếp, kiểm tra lại trang thiết bị để chuẩn bị chuyển sang trụ sở mới tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long) sau gần 2 năm khởi công xây dựng. Đây không chỉ là niềm vui riêng đối với cán bộ, y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng của tỉnh, mà là niềm vui chung của nhân dân Quảng Ninh khi tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống qua việc xây dựng hệ thống cơ sở y tế từ tỉnh tới huyện ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực trong quá trình thi công của chủ đầu tư, nhà thầu, công trình CDC Quảng Ninh đến nay đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng ngay trong tháng 9/2023. Công trình được thiết kế quy mô khối nhà 8 tầng, tổng diện tích sử dụng gần 12.000m2. Các khoa, phòng chức năng được bố trí riêng biệt theo từng tầng với hệ thống trang thiết bị, cấp khí y tế kết nối đồng bộ, liên thông, đáp ứng yêu cầu điều trị, bảo quản, lưu trữ, phân tích, xét nghiệm bệnh phẩm được thuận lợi, an toàn... Công trình hoàn thành đã khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng phát hiện, kiểm soát bệnh tật, tăng cường các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho nhân dân...
Công trình không chỉ giải quyết về không gian làm việc cho hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động của CDC Quảng Ninh với 16 khoa, phòng, mà còn góp phần nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân; quản lý, nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu những rủi ro, nhất là sau giai đoạn người dân vừa trải qua bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.
Bác sĩ Đoàn Hồng Thính, nguyên Phó Giám đốc Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh (giai đoạn 1977-1982), nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế (giai đoạn 1987-2003), chia sẻ: Ngày 16/8/1963 tỉnh thành lập Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh, đến năm 1989 đổi tên là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đến năm 2018 thực hiện đổi mới, sáp nhập với các đơn vị y tế dự phòng trở thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ninh). Thời kỳ đầu thành lập, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, phải sơ tán trong núi đá, cơ sở làm việc thiếu thốn, phương tiện, trang thiết bị nghèo nàn, song đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của trung tâm luôn vững tin, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ y tế dự phòng. Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh qua từng thời kỳ, CDC Quảng Ninh đã không ngừng phát triển về đội ngũ, về trang thiết bị y tế hiện đại, nhất là trong 2 năm chống dịch Covid-19, CDC đã ngày càng khẳng định được năng lực, vị thế của y tế dự phòng Quảng Ninh trong cả nước.
Cùng với CDC Quảng Ninh, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh cũng là cơ sở y tế được đầu tư xây dựng mới. Đây là 2 công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Dự án được khởi công từ cuối tháng 10/2022, có tổng vốn đầu tư trên 540 tỷ đồng, diện tích xây dựng gần 4ha, quy mô 330 giường bệnh. Dự án được thực hiện trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các công trình đã có, sửa chữa, nâng cấp và xây mới một số công trình gồm: Khối nhà kỹ thuật, nghiệp vụ (11 tầng), khối nhà công vụ (5 tầng), khu nhà xử lý chất thải lây nhiễm.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình theo kế hoạch, chủ đầu tư và các nhà thầu đã phát động thi đua, huy động nhân lực, phương tiện, tăng tốc thi công đồng loạt các hạng mục. Dự án đã huy động gần 400 cán bộ, công nhân trên công trường để tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày kỷ niệm thành lập tỉnh 30/10/2023.
Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh cũng được tỉnh đầu tư xây dựng mới đồng bộ, hiện đại và đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Đây là mô hình bệnh viện chuyên khoa về lão khoa - phục hồi chức năng tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước. Bác sĩ CKI Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh, cho biết: Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, bệnh viện được xây dựng có quy mô 320 giường bệnh, tổng mức đầu tư 429 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 10/2022. Hiện nay, bệnh viện đáp ứng được nhu cầu khám bệnh ngoại trú 200-250 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho 320-400 bệnh nhân mỗi ngày. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu trị giá trên 80 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực điều trị. Chúng tôi cũng sẽ tích cực điều động nhân lực, bố trí các khoa, phòng, nâng cao chất lượng đón tiếp, số hóa... để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo thống kê hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có hơn 200 cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Đa số các đơn vị y tế đã được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao.
Sức khoẻ, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu hàng đầu
Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển tỉnh, các thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh luôn lấy việc chăm lo cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu, động lực để phấn đấu, là “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng chính sách và là thước đo năng lực, sự thành công của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong cả nước rất ít địa phương có sự đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có y tế mạnh tay như Quảng Ninh.
Trong khoảng 10 năm gần đây, với tinh thần hội nhập, phát triển và trước yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế. Giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã chi trên 7.600 tỷ đồng cho phát triển sự nghiệp y tế toàn tỉnh, tăng 41% so với giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng để sẵn sàng điều kiện y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân, tỉnh đã bố trí trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, công tác dân số và gia đình… Những cơ chế, chính sách được ban hành đều thống nhất trên quan điểm ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này để người dân được thụ hưởng nhiều nhất những thành tựu phát triển của tỉnh.
Nhờ đó, đến nay ngành y tế Quảng Ninh đã trở thành một trong những ngành có hệ thống, mạng lưới hoạt động rộng lớn, với 32 bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và 177 trạm y tế tuyến xã. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thuộc UBND tỉnh quản lý. Toàn tỉnh đã phát triển trên 600 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; trong đó có 2 bệnh viện tư nhân chất lượng cao là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long vận hành theo chuẩn mực quốc tế JCI của Hoa Kỳ và Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga Hạ Long.
Với sự quan tâm đầu tư trong suốt thời gian qua, quy mô giường bệnh toàn tỉnh được nâng lên hơn 10.000 giường. Trình độ, năng lực khám, điều trị bệnh của đội ngũ y tế được nâng lên. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn. Trong những năm gần đây, người bệnh đến điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh đã được sử dụng các buồng bệnh khang trang, sạch sẽ, không phải nằm ghép giường...
Bà Phạm Thị Hương (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh luôn được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Các bệnh viện giờ rất khang trang, sạch sẽ, hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn tốt, tận tâm, nên chúng tôi vô cùng yên tâm khi đến khám, chữa bệnh mà không phải lặn lội lên tuyến Trung ương xa xôi, chật chội.
Theo thống kê của Sở Y tế, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã đạt 55 giường bệnh/vạn dân. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đặt ra, mục tiêu phấn đấu đạt 61 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh chủ trương đầu tư, xây mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.500 giường bệnh; Đề án phát triển Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí giai đoạn 2022-2025; xây mới và sửa chữa 150 trạm y tế trong toàn tỉnh…
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực y tế, cùng sự nỗ lực vươn tầm của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế, ngành y tế Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhanh chóng, vững chắc. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()