Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:17 (GMT +7)
Nâng cao giá trị rừng
Thứ 2, 25/07/2022 | 09:35:47 [GMT +7] A A
Sau 2 năm triển khai, Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy về “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã thực sự đi vào cuộc sống, khích lệ tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, từng bước nâng cao giá trị của rừng trong bảo vệ môi trường sinh thái và tạo sinh kế phát triển sản xuất cho người dân.
Nhân lên diện tích trồng rừng
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 25 văn bản; HĐND tỉnh ban hành 14 văn bản, trong đó có nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021); UBND tỉnh ban hành 90 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo nhiều chuyên gia quản lý về lâm nghiệp, đây là một trong số ít nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp trong nước thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, khích lệ người dân tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ, làm giàu từ rừng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, quán triệt đến tổ chức, người dân và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Tại những địa phương miền núi của tỉnh, bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trong việc phát huy hiệu quả của rừng.
Điển hình: Tại huyện Ba Chẽ, với đặc thù có nhiều diện tích đất rừng, địa phương đã nhanh chóng hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình tham gia quản lý, trồng, chăm sóc theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thành lập tổ công tác, tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, nhằm đem lại thu nhập kinh tế cao.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, huyện Ba Chẽ đã giao, cho thuê đất với gần 2.500ha tới 286 hộ gia đình, cá nhân tại 8 xã, thị trấn. Trong đó có 116 gia đình, cá nhân ký cam kết trồng rừng gỗ lớn với diện tích đăng ký trên 375ha.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Riêng năm 2021, toàn huyện có trên 930ha rừng gỗ lớn, đạt trên 140% kế hoạch năm. Trong đó, người dân tham gia chiếm đa số với diện tích trồng trên 830ha, còn lại là các tổ chức, doanh nghiệp, HTX. Những loại cây gỗ lớn được tập trung trồng là giổi trên 49ha, thông mã vĩ 3ha, lim xanh trên 60ha, quế gần 280ha… Năm 2022 huyện phấn đấu trồng 1.170ha rừng gỗ lớn và cây bản địa, trong đó diện tích trồng cây lim, giổi, lát, sồi là 510ha; quế, sa mộc, thông 660ha.
Để đảm bảo đủ nguồn lực đầu tư thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, trong 2 năm qua tỉnh đã huy động 1.252 tỷ đồng đầu tư cho lâm nghiệp; trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 271 tỷ đồng, kinh phí trồng rừng thay thế trên 49,5 tỷ đồng, các nguồn từ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên 931 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ sự chủ động, tích cực của các địa phương, trong 2 năm 2020-2021, toàn tỉnh đã trồng được 24.412ha rừng (20.694ha keo, 1.165ha bạch đàn, 1.098ha quế, 1.001ha thông, 110ha lim, 90ha giổi, 50ha hồi…), bình quân đạt 12.206ha/năm, tăng 1.412ha so với giai đoạn 2018-2019. Toàn tỉnh còn trồng được gần 1,2 triệu cây phân tán, tăng 221.000 cây so với giai đoạn 2018-2019, nâng tổng số 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong nước, góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh lên 55%.
Ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện nhiệm vụ trồng 2.000ha cây lim, giổi, lát trong năm 2022, 11/13 địa phương của tỉnh (trừ huyện Cô Tô và TX Quảng Yên) đã xây dựng kế hoạch và đồng loạt triển khai nhiều hoạt động trồng rừng. Đến hết tháng 6/2022, diện tích rừng trồng tập trung toàn tỉnh trên 8.813ha, đạt gần 98% kế hoạch năm, trong đó có trên 1.120ha cây lim, giổi, lát.
Giá trị khai thác gỗ rừng trồng trong 2 năm 2020-2021 tăng đáng kể. Theo ước tính có 18.900ha rừng trồng được khai thác, sản lượng trên 1,1 triệu m3, tương đương 573.020m3/năm (tăng 43% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU). Khai thác lâm sản ngoài gỗ đạt trên 5.100 tấn, tương đương 2.555 tấn/năm (tăng 2% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU). Ngoài ra, còn hình thành nhiều vùng sản xuất dược liệu với sản lượng khai thác củ cây ba kích đạt 1,5 tấn/năm; trà hoa vàng tươi 25 tấn/năm.
Làm giàu từ rừng
Nghị quyết số 19-NQ/TU đi vào cuộc sống, diện tích rừng trồng cây bản địa của tỉnh tăng nhanh, nhưng theo đánh giá khách quan, chất lượng rừng nhìn chung chưa có sự chuyển biến rõ nét. Đối với rừng tự nhiên, theo kết quả điều tra, kiểm kê cho thấy, chỉ có 0,08% diện tích là rừng giàu, 5,02% là rừng trung bình, còn lại là rừng nghèo kiệt. Diện tích rừng và đất rừng lớn, chiếm 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tập trung ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa hình chia cắt, nên khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ; dẫn đến trong 2 năm (2020-2021) để xảy ra 63 vụ, điểm cháy rừng, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 239ha (chủ yếu rừng trồng), trong đó có gần 56ha rừng không có khả năng phục hồi.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc khích lệ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ lớn, với những loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, việc làm cho người dân, đặc biệt là tại địa bàn những địa phương có nhiều diện tích rừng và đất rừng.
Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025: Tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm; năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha giai đoạn 2022-2025; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm giai đoạn 2022-2025; sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu từ 3.500 tấn/năm như hiện nay lên 4.000 tấn/năm giai đoạn 2022-2025. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.000ha rừng cây lim, giổi; 50% số hộ dân miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, đảm bảo cho khoảng 60.000-70.000 người có việc làm, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Đạt được mục tiêu này cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp; xây dựng triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp; tổ chức triển khai hiệu quả sản xuất lâm nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang rà soát xây dựng, bổ sung, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp; tập trung triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Đặc biệt, rà soát, có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống để phát triển trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 5.000ha rừng cây lim, giổi theo chỉ đạo tại Thông báo số 424-TB/TU (ngày 12/11/2021) của Thường trực Tỉnh ủy.
Các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đông Triều, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Uông Bí đang tích cực phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung với diện tích 24.000ha và chuyển hóa trên 10.000ha rừng trồng cây keo sang trồng các loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để đảm bảo nguồn cây giống, tới đây tỉnh tập trung đầu tư mới một vườn ươm giống có công suất trên 10 triệu cây/năm. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng hệ thống 8 vườn ươm hiện có theo hướng hiện đại tại Uông Bí, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và nâng cấp cơ sở nuôi cấy mô, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ sản xuất cây vô tính, tiến tới chủ động về giống và chất lượng cây lâm nghiệp phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân.
Trước thực trạng diện tích rừng trồng và sản lượng gỗ tăng mạnh giai đoạn tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi các cơ sở chế biến lâm sản theo hướng giảm số lượng các cơ sở chế biến thô, nhỏ lẻ, tăng dần các cơ sở chế biến sâu, hiện đại. Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất, chế biến gỗ hiện đại, chuyên sâu, thông minh gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và các KCN, CCN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tận dụng hiệu quả lợi ích của rừng, không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ các dự án đảm bảo các tiêu chí theo quy định); sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, các nguồn gen, loại sinh vật và hệ sinh thái rừng. Khuyến khích phát triển các cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như hồi, quế, ba kích, sở và các cây dược liệu khác, đảm bảo mỗi diện tích rừng và đất rừng đều tăng hơn về năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()