Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 29/12/2024 20:03 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả các sáng tác âm nhạc Quảng Ninh
Chủ nhật, 24/10/2021 | 14:47:02 [GMT +7] A A
Năm 2021, được Hội VHNT tỉnh chọn là năm sân khấu và âm nhạc Quảng Ninh. Để có những vụ mùa âm nhạc bội thu, không chỉ trong năm mà cả tương lai nữa, bên cạnh đẩy mạnh phong trào sáng tác thì cần phát triển lực lượng sáng tác đang còn khá mỏng hiện nay.
Trong những năm qua, lực lượng sáng tác âm nhạc đã có nhiều đóng góp đáng kể trong các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, của tỉnh cũng như cả nước. Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh hiện có tổng số 22 người. So với một số địa phương lân cận thì đây là con số khá hùng hậu.
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh là một trong những đơn vị hoạt động rất tích cực với nhiều nhạc sĩ có tên tuổi và sung sức, như: Đỗ Hoà An, Xuân Quang, Lê Nguyên Thêm, Vũ Đức Tạo, Lê Đăng Vệ, Ngọc Xuân, Đặng Xuyên, Nguyễn Thành Long v.v.. Tuy nhiên, âm nhạc Quảng Ninh phải rộng ra với nhiều thế hệ và phải trông đợi vào các nhạc sĩ trẻ hơn, thế hệ 40 tuổi như: Vũ Việt Hồng, Tuấn Đạt, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Thế Anh, Nguyễn Mạnh Trung v.v.. Nhờ lực lượng này mà càng ngày đội ngũ những người sáng tác âm nhạc ở Quảng Ninh càng dày thêm.
Chi hội Âm nhạc (thuộc Hội VHNT tỉnh) lực lượng hùng hậu hơn, hiện có gần 100 hội viên là các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ đang sinh hoạt tại các hội VHNT cấp huyện đã đóng góp không nhỏ vào phong trào sáng tác, dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật các cấp. Lực lượng sáng tác bao giờ cũng ít hơn lực lượng biểu diễn.
Vậy nhưng, nhiều nhạc sĩ đã có đóng góp tích cực làm nên thành công của các chương trình như: Đỗ Hòa An, Lê Đăng Vệ, Nguyễn Xuân Nhật, Lê Nguyên Thêm, Nguyễn Thành Long, Trần Quang Hiệp, Phan Thế Phùng, Lê Huy Hòa, Bá Quảng, Nguyễn Xuân Tích, Hồ Quốc Việt, Lê Chí Phúc, Nguyễn Quang Vinh, Văn Chanh, Ngọc Khanh, Đoàn Ngọc Lý, Tuấn Đạt v.v..
Nhiều nhạc sĩ đã có tác phẩm in trong các tuyển tập như: "Hát cùng trời nước Hạ Long" năm 2003, “Hành quân giữa vùng Đông Bắc” năm 2004, “Móng Cái thành phố bình minh” năm 2008, “Tiên Yên miền khát vọng” năm 2014, “Bình Liêu - Khát vọng vươn lên” năm 2015, “Bình minh nơi đầu sóng” năm 2015, “Hải Hà vùng đất con người” năm 2018 v.v..
Tính riêng trong 2 năm qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã có 30 nhạc sĩ tham gia các trại sáng tác trong tỉnh, 18 nhạc sĩ được tổ chức công bố tác phẩm mới, 13 nhạc sĩ được nhận kinh phí hỗ trợ sáng tác từ nguồn kinh phí của Chính phủ. Quảng Ninh cũng đã có 55 tác phẩm âm nhạc được sáng tác mới ra mắt khán giả. Đặc biệt, nhạc sĩ gạo cội Đỗ Hòa An đã có đêm nhạc đặc sắc với chủ đề "Hạ Long biển nhớ".
Đấy là chưa kể hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ nghiệp dư khác. Họ đang sinh hoạt và sáng tác tại các câu lạc bộ, các trung tâm thu âm, biểu diễn, khoa nghệ thuật của trường đại học, giáo viên thanh nhạc phổ thông và nhiều ngành nghề tự do khác. Thông thường đội ngũ này có tuổi đời rất trẻ, là lực lượng kế cận tốt nếu biết phát huy, bồi dưỡng và khai thác.
Tuy nhiên, lực lượng sáng tác âm nhạc Quảng Ninh hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Tác phẩm của các nhạc sĩ sáng tác ra cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng, chưa tương xứng với thế mạnh của nguồn đề tài Quảng Ninh. Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Hữu Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Quảng Ninh, đánh giá: Về sáng tác, các nhạc sĩ Quảng Ninh vẫn chưa có những tác phẩm đạt đến đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật còn hạn chế, nghèo nàn, chưa phong phú về thể loại, loại hình, chỉ mới dừng lại ở việc sáng tác ca khúc ngắn.
Các ca khúc chưa theo kịp với sự phát triển cũng như vị thế tầm vóc của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tác giả còn hạn hẹp nên việc hoàn chỉnh các tác phẩm của một số nhạc sĩ còn ít, điều kiện được phổ biến công bố tạo nên sự lan tỏa đến công chúng còn chưa được rộng rãi, chưa phát hiện đào tạo và xây dựng được nhiều lực lượng tác giả nhạc sĩ, nghệ sĩ, biểu diễn trẻ.
Để từng bước giải quyết tình trạng này, Hội VHNT Quảng Ninh cần quan tâm nâng cao chất lượng nghệ thuật các sáng tác, tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc giao lưu âm nhạc với các địa phương và các tỉnh hội, thành hội lân cận, tăng cường kết nạp hội viên mới, nghiên cứu đề xuất Ngày Âm nhạc Quảng Ninh, rà soát kiểm đếm các tác phẩm âm nhạc viết về Quảng Ninh do các nhạc sĩ trong tỉnh sáng tác, tổ chức các lớp tập huấn, các trại sáng tác.
Nhạc sĩ Lê Huy Hòa, Phó Chủ tịch Hội VHNT huyện Tiên Yên, cho rằng, cần nâng cao trình độ sáng tác ca khúc, hòa thanh, kỹ năng sản xuất âm nhạc, đặc biệt là âm hưởng, thang âm, khúc thức tạo cho mình một phong cách riêng. Đồng thời, tổ chức các giải thưởng âm nhạc, quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc khi xét giải Hạ Long và giải VHNT cấp huyện. Khi tác phẩm đã vững rồi thì cần ký hợp đồng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.
Nhìn chung, âm nhạc Quảng Ninh được kì vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong tương lai, với các tác phẩm không chỉ đi vào trái tim và đời sống người dân Quảng Ninh mà còn tới những người yêu nghệ thuật cả nước.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()