Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 00:50 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả cho vay ủy thác
Thứ 3, 13/08/2024 | 21:46:30 [GMT +7] A A
Bằng phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, đưa nguồn vốn tới tận tay từng người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh, căn cứ các nội dung, điều khoản đã ký với Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp và cơ sở trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc văn bản liên tịch, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng ủy nhiệm. Trên cơ sở thực tế, Hội LHPN các cấp đều chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý tốt dư nợ nhận uỷ thác, giảm nợ quá hạn và lãi tồn; vận động các hộ vay gửi tiết kiệm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phối hợp thực hiện quy trình cho vay, việc thu lãi, thu tiết kiệm của các tổ trưởng, việc sử dụng vốn của các hộ vay; củng cố, kiện toàn lại Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Nhằm đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, mục đích, hiệu quả, Hội LHPN các cấp cũng phối hợp chặt chẽ kịp thời xử lý các trường hợp vay ké, nợ chây ỳ, nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, đồng thời, hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan... Nhờ đó, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã tiếp cận được thông tin, mạnh dạn vay vốn, chủ động triển khai các mô hình, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh đang quản lý trên 2.316 tỷ đồng tổng dư nợ của 35.421 hộ vay với 1.012 tổ TK&VV. Chất lượng tín dụng được nâng lên với tỷ lệ nợ hiện chỉ còn 0,01%.
Chị Vũ Thị Lan, thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều, cho biết: Thông qua Hội LHPN xã, năm 2022, tôi đã được tiếp cận, hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ vay vốn chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH TX Đông Triều. Bằng 100 triệu đồng được vay, tôi đã đầu tư, cải tạo chăm bón, mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn. Vườn bưởi Diễn của gia đình tôi hiện có 1.000 gốc, quả sai, chất lượng tốt, vị ngọt đậm nên thường xuyên được thương lái đến tận vườn thu mua, mang lại thu nhập ổn định, doanh thu 200 triệu đồng/năm. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục được Hội LHPN xã và ngân hàng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện vay thêm vốn để mở rộng vườn bưởi.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh và các phòng giao dịch đã ký kết các văn bản liên tịch hoặc hợp đồng ủy thác với tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trên cơ sở đó, hai bên phối hợp thực hiện tốt các nội dung ủy thác như: Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các quy định của từng chương trình tín dụng ưu đãi để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn; bình xét công khai, đúng đối tượng; nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV giám sát bình xét cho vay, phiên giao dịch, sử dụng vốn vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả lồng ghép với các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, phổ biến các chương trình tín dụng và văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, kiểm tra chuyên đề hoặc đột xuất nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế. Qua đó, công tác phối hợp ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.
Để không để xảy ra tình trạng xâm tiêu nguồn vốn, công tác kiểm tra giám sát của Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp được thực hiện thường xuyên, đi vào chiều sâu, từng bước đưa hoạt động ủy thác đi vào nền nếp. Trong 10 năm qua, hội đoàn thể các cấp đã chủ động thực hiện 724 lượt kiểm tra tại cấp huyện, 9.843 lượt ở cấp xã, 37.014 lượt tại tổ và 342.176 lượt hộ vay.
Phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết Ngân hàng - Chính quyền - Hội, đoàn thể - Tổ Tiết kiệm và vay vốn chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách; củng cố tổ chức hội, đoàn thể; tiết giảm chi phí quản lý; đưa nguồn vốn đến người dân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đồng thời, góp phần tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên, nâng cao chất lượng phong trào. Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.887,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,5%/tổng dư nợ của ngân hàng với 2.132 tổ TK&VV, 73.939 hộ vay vốn đang còn dư nợ. Đáng chú ý, nợ quá hạn là 0,74 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,015%/tổng dư nợ ủy thác. Nhờ đó, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, xây dựng mức chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2023-2025) cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt gần 74 triệu đồng/người/năm.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()