Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:33 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Thứ 5, 20/10/2022 | 07:29:15 [GMT +7] A A
Đầu tư công tập trung vào các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật chung cho toàn xã hội giúp tăng trưởng kinh tế; đồng thời cũng tạo điều kiện thiết yếu cho việc thu hút đầu tư, góp phần giảm khoảng cách giữa các vùng miền, cải thiện đời sống của nhân dân... Chính bởi vậy, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả về đầu tư công trên địa bàn.
Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là một trong các chương trình mục tiêu quốc gia được Quảng Ninh quan tâm đầu tư. UBND tỉnh phân bổ vốn ngân sách tỉnh năm 2022 bố trí cho chương trình này 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 150 tỷ đồng.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, các địa phương đã thanh toán vốn cho 4 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang, đồng thời bố trí vốn cho 14 dự án khởi công mới năm 2022. Hiện các công trình đang trong giai đoạn thi công và nhiều công trình sắp hoàn thành... Nguồn vốn này đã giải ngân được 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Còn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm thì cũng đã giải ngân được 148,248 tỷ đồng cho 2.008 hộ vay. Các hộ đều đang đầu tư phát triển kinh tế gia đình khá hiệu quả.
Không chỉ với chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, mà lĩnh vực đầu tư công trên địa bàn được tỉnh quan tâm, quản lý chặt chẽ.
Quảng Ninh đã cơ cấu lại đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả, tăng cường phân cấp mạnh đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư công. Tỉnh còn tiên phong trong việc đầu tư ngân sách để tập trung nguồn lực vào các dự án, công trình động lực có tính lan tỏa cao, thúc đẩy phát triển KT-XH; đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư; đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, nhất là đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách quốc tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng KKT, KCN...
Qua đó, nhiều công trình động lực của tỉnh đã hoàn thành, bước đầu đi vào sử dụng hiệu quả như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...
Đồng thời, tỉnh còn rà soát cơ cấu, nhu cầu thực tế, bảo đảm nguồn lực đầu tư công trình phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển ở các vùng còn khó khăn, như đầu tư vào chương trình tổng phát triển bền vững KT-XH bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; chương trình xây dựng NTM...
Trong chương trình xây dựng NTM năm 2022, tỉnh bố trí 500 tỷ đồng xây dựng 82 công trình, chủ yếu là những công trình mang tính chất phục vụ cộng đồng như trường học, đường giao thông liên thôn, công trình nước sinh hoạt, trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa thôn... Được biết, đến nay, chương trình mục tiêu xây dựng NTM năm 2022 đã giải ngân được 276 tỷ đồng đạt 55,4% vốn đầu tư.
Ông Hoàng Văn Quyền (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: Do xã chưa có trung tâm văn hóa - thể thao, nên những hoạt động chung của các đoàn thể, của bà con gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tháng 7/2022, nhà văn hóa - thể thao của xã đã được khởi công xây dựng, không lâu nữa bà con trong xã có nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện chung, nên ai cũng phấn khởi.
Trong quá trình triển khai, các cấp, các ngành đều tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn vốn và quản lý đầu tư công; tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án. Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, rà soát làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để tồn dư lớn dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành ngân sách.
Đến 25/9, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 sau điều chỉnh bổ sung toàn tỉnh là 17.029 tỷ đồng, chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương. Tỉnh đã giải ngân 7.576 tỷ đồng, đạt 48,4% kế hoạch giao vốn đầu năm; đạt 67,5% kế hoạch Thủ tướng giao (11.222,5 tỷ đồng), cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 46,7%).
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều dự án, chủ đầu tư giải ngân còn chậm với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi vậy cần tập trung hơn nữa việc quản lý đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình để sớm phục vụ lợi ích cho cộng đồng và sự phát triển KT-XH chung toàn tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()