Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:33 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Quảng Ninh
Thứ 4, 07/08/2024 | 17:19:42 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Sẻn Thị Hỷ, Tổ đại biểu Móng Cái chất vấn nội dung:
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã quy định: Từ ngày 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là hướng dẫn quan trọng để các địa phương triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý rác thải theo quy định tại Điều 75-Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh giải trình làm rõ: Kết quả thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Những giải pháp chủ yếu, cụ thể trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thực hiện vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:
Kết quả thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024: Thực hiện Luật BVMT năm 2020, Chương trình công tác năm 2024, từ ngày 03/5/2024 đến ngày 30/5/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì làm việc với 13 địa phương về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Kết quả làm việc cho thấy: Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, trọng tâm là việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 10- NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo số liệu báo cáo, thống kê của các địa phương khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh ước khoảng 217.000 tấn. Trong đó: Khối lượng CTRSH khu vực đô thị được thu gom, xử lý khoảng 158.000 tấn, đạt khoảng 97,5%; Khối lượng CTRSH khu vực nông thôn được thu gom, xử lý khoảng 51.000 tấn, đạt khoảng 94,5%; tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 98%.
Các địa phương đã tích cực chỉ đạo, phân công các phòng ban chuyên môn, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý CTRSH theo quy định của Luật BVMT năm 2020, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phân loại, tái chế và tái sử dụng CTRSH theo Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng, nhân rộng các mô hình về tái chế CTRSH, ủ phân vi sinh đối với rác hữu cơ (các Mô hình Chi hội “Phụ nữ sống xanh”; “Biến rác thành tiền”; mô hình “Ủ phân hữu cơ”); Triển khai thực hiện nhiều mô hình tự quản, mô hình kiểu mẫu về BVMT phù hợp với phong tục tập quán của từng địa bàn; một số địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại các hộ dân theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã bố trí 884 điểm tập kết CTRSH, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập kết tạm CTRSH; một số địa phương đã đầu tư trạm cân rác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe chở rác nhằm kiểm soát chặt chẽ khối lượng thu gom, vận chuyển đưa vào xử lý rác theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai công tác phân loại, thu gom, vận chuyển tại nguồn còn chậm so với KH đặt ra theo yêu cầu của Luật BVMT. Đến nay, chưa có địa phương nào triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp được dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; còn thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định, công tác xử lý CTRSH chủ yếu qua hình thức chôn lấp và đốt (ngoại trừ khu xử lý ở Quảng Nghĩa đã có đủ hạ tầng công nghệ đáp ứng yầu cầu); chưa ban hành các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý theo yêu cầu về phân loại CTRSH.
Thời gian tới, Sở TNMT sẽ tiếp tục tham mưu, đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện việc ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý CTRSH theo phân cấp của Bộ TNMT (như: Quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện riêng của tỉnh theo lộ trình sau khi Bộ TN&MT ban hành các Thông tư hướng dẫn, bao gồm cả các Quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; quy định về hình thức bao bì đựng CTRSH.
Cùng với đó, đôn đốc UBND các địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực hoàn thành quy hoạch, bố trí vị trí, mặt bằng, đầu tư xây dựng khu xử lý, điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực, đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị vận chuyển, xử lý CTRSH đảm bảo đầu tư đồng bộ về phương tiện, thiết bị, hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu phân loại. Cùng với đó là rà soát các cơ sở xử lý CTRSH trên địa bàn để có lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý phù hợp đối với CTRSH sau phân loại; tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt về quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện quy định về phân loại CTRSH và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại các địa phương để hoàn thiện quy trình, làm cơ sở thực hiện sau ngày 31/12/2024; kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn theo đúng chỉ đạo tại Thông báo Kết luận số 1122-TB/TU ngày 02/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Sở TN&MT đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể quan tâm. Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, phát triển kinh tế tuần hoàn; Tập trung triển khai công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc phân loại CTRSH tại nguồn để dần trở thành thói quen, đi vào nề nếp vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Để tăng cường công tác quản lý CTRSH, Sở TN&MT cũng đề nghị HĐND tỉnh kêu gọi nhân dân tích cực hưởng ứng chung tay bảo vệ môi trường; thực hiện phân loại rác thải tại nhà; tích cực thực hiện các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải; đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định;…; đề nghị HĐND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn địa phương quản lý theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()