Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:27 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Thứ 5, 08/06/2023 | 08:13:14 [GMT +7] A A
Triển khai Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, đề ra các phương án, giải pháp để bảo đảm thực hiện các nhóm nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.
Từ năm 2018, UBND tỉnh đã xây dựng Bộ Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, trong đó công tác theo dõi thi hành pháp luật được xác định là một trong những tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan ngành dọc trên địa bàn.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai. Nổi bật là Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/8/2021 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Chỉ thị đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp đối với các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, xác định xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật; chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm, khuyết điểm, yếu kém...
Hàng năm, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tại địa phương, đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh lĩnh vực theo dõi trọng tâm liên ngành theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, căn cứ yêu cầu thực tiễn của tỉnh và phương hướng, nhiệm vụ, chủ đề công tác hàng năm, tỉnh cũng lựa chọn lĩnh vực theo dõi trọng tâm riêng, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Quảng Ninh cũng tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện thể chế công tác theo dõi thi hành pháp luật, chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát, báo cáo những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành công tác theo dõi thi hành pháp luật, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Thông tư số 10/2015/TT-BTP; tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, dự thảo Thông tư liên quan quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
Cùng với đó, tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức, thi hành pháp luật, thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật bao gồm thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, tỉnh đã tiếp nhận nhiều khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn, tổng hợp báo cáo kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Việc tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, công tác tiếp công dân, đường dây nóng, hòm thư góp ý, hòm thư điện tử, website, tổ chức hội nghị đối thoại, qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đã đánh giá được tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật, tình hình tuân thủ pháp luật trên địa bàn. Từ đó, kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song trong quá trình triển khai thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn vẫn gặp vướng mắc, hạn chế nhất định. Do vậy, cùng với việc khắc phục hạn chế, khó khăn, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, từng bước đưa công tác thi hành pháp luật hoạt động theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()