Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:43 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại
Thứ 5, 22/08/2024 | 05:08:32 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường xuất khẩu của Quảng Ninh tiếp tục đạt kết quả tích cực, thúc đẩy xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024. Kết quả đó có được là do ngành Công Thương cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức XTTM truyền thống. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số để đổi mới, đa dạng hóa cách làm.
Năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 11% so với cùng kỳ, trong đó tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu 65%; tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 5%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 2%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%; thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, bên cạnh thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện XTTM vào các thị trường FTA, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện đơn vị đang chú trọng vào các hoạt động XTTM số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam. Từ đó góp phần là cầu nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu.
Với nhiều nỗ lực, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 1,966 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Xi măng ước đạt 61,1 triệu USD; clinker 65,8 triệu USD; xơ, sợi bông ước đạt 262 triệu USD; thủy sản chế biến ước đạt 3,2 triệu USD; quần áo các loại ước đạt 172 triệu USD; dầu thực vật 1,4 triệu USD; nến 40,7 triệu USD; dăm gỗ 171 triệu USD…
Theo đó, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường hiện nay, công tác XTTM được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thích ứng với xu thế mới, mở rộng thị trường tiêu thụ. Để phát huy hiệu quả hoạt động XTTM phù hợp với xu thế hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá, đổi mới các hoạt động XTTM; cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các thông tin về thị trường nội địa, xuất nhập khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực công thương lên cổng thông tin thành phần của Sở, trang fanpage... để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh nắm được. Cùng với đó là chủ động thông tin, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, quốc tế, nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh đến với bạn bè khu vực và thế giới.
Đặc biệt, tận dụng lợi thế phát triển về TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia các nền tảng tiêu dùng số. Qua đó, người dân, doanh nghiệp đã hòa nhập xu thế TMĐT, tích cực quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các công cụ TMĐT sẽ là kênh quảng bá quan trọng, mang lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp cận và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả hơn.
Thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thiện nâng cấp sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, Trung tâm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia vào sàn và các sàn TMĐT uy tín. Đồng thời, tiếp tục lồng ghép sàn TMĐT tại các hoạt động hội chợ, triển lãm… để lan tỏa rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp, du khách. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để XTTM hiệu quả, các sở, ngành, địa phương, trong đó chủ đạo là ngành Công Thương đã tăng cường quảng bá, gắn công tác XTTM với du lịch. Điển hình: Các tuần lễ hàng Việt và sản phẩm OCOP được tăng cường tổ chức tại các khu, điểm du lịch thu hút đông đảo du khách; tích cực tổ chức các gian hàng giới thiệu sản vật Quảng Ninh bên lề các sự kiện lớn; đưa đặc sản địa phương vào các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng dành cho khách du lịch; gia tăng các chuỗi, điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa địa phương tại các khu du lịch, điểm du lịch; đưa các nông sản địa phương, sản phẩm OCOP vào các khách sạn, nhà hàng, các suất ăn cho khách du lịch… Những giải pháp này, đã góp phần quan trọng giúp các sản phẩm của Quảng Ninh đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, giúp tăng độ nhận diện cho sản phẩm trên thị trường.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()