Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:47 (GMT +7)
Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh Ứng dụng CNTT, hiện đại hoá hoạt động quản lý cảng, bến
Thứ 5, 10/08/2023 | 15:13:22 [GMT +7] A A
Để đảm bảo an toàn phương tiện, vận hành hiệu quả 113 bến cảng thủy nội địa kéo dài trên phạm vi gần 250km đường bờ biển dọc tỉnh, bên cạnh những giải pháp nghiệp vụ cơ bản, cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh (Cảng vụ) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, góp phần nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành.
Với địa hình rộng lớn, bờ biển kéo dài và hệ thống sông ngòi phức tạp, Quảng Ninh là tỉnh có số lượng cảng bến thủy nội địa đa dạng và nhiều nhất miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách. Theo thống kê từ cơ quan Cảng vụ, trung bình mỗi ngày có trên 800 chuyến tàu ra, vào các cảng, bến để xếp dỡ hàng hóa hoặc đón, trả hành khách.
Để bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo chức năng, nhiệm vụ phân công, cơ quan Cảng vụ thường xuyên thực hiện kiện toàn, sắp xếp cán bộ quản lý phân cấp theo từng cụm cảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông, tổng thể, đồng bộ hệ thống giữa các cụm cảng và trung tâm lưu trữ trong điều hành cấp phép, giám sát hoạt động cảng bến và phương tiện.
Nhờ việc cập nhật liên tục các dữ liệu trên hệ thống phần mềm cấp phép, các nhân viên Cảng vụ có thể giải quyết thủ tục hành chính cho các tàu ra, vào cảng, bến rút ngắn 80% thời gian cấp phép so với trước đây. Qua đó, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi trong thực hiện các thủ tục cho mỗi chuyến hành trình, tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý. Điều này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ các chủ phương tiện, thuyền trưởng khi đến làm thủ tục hành chính theo quy định. Theo thống kê của đơn vị, 7 tháng năm 2023, cơ quan Cảng vụ đã thực hiện cấp phép cho gần 170.000 lượt phương tiện rời cảng, bến được thuận lợi, an toàn, đảm bảo các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Để tăng cường và nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành lĩnh vực cảng thủy nội địa, cơ quan Cảng vụ còn thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng thực thi công vụ, tổ chức ra quân kiểm tra, kiểm soát, tăng cường xử lý các vi phạm. Thực hiện duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các cảng bến, vị trí neo đậu tàu để đảm bảo tuyệt đối việc chấp hành quy định bố trí người khi neo đậu của các tàu; cảnh báo, hướng dẫn khi gặp hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ động đối phó với các tình huống xấu như cháy nổ, thủy triều lên làm kênh tàu gây chìm đắm khi đỗ tại bến.
Cùng với đó, đơn vị cũng thường xuyên tổng rà soát toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, đặc biệt hoạt động vận tải khách du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên biển, kỹ năng khi có sự cố cháy, nổ; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa, quy định cảng bến… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các phương tiện thuỷ, nhất là hoạt động vận tải hành khách với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Từ đầu năm đến nay, Cảng vụ đã phát hàng trăm tờ rơi về hướng dẫn sử dụng phao áo cứu sinh tới thuyền trưởng các phương tiện vận chuyển khách; ban hành công văn gửi các đại diện trực thuộc và các chủ cảng, bến, chủ phương tiện, thuyền trưởng để tuyên truyền, phổ biến thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại cảng, bến, khu neo đậu theo các nghị định, quy định của Bộ GT-VT. Cảng vụ cũng đã triển khai việc ký cam kết về kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ đối với các chủ cảng, bến hàng hóa, niêm yết công khai bản cam kết tại cạnh nội quy cảng, bến. Thông báo đến các chủ phương tiện, chủ cảng, bến, thuyền trưởng phương tiện về tình hình luồng tuyến, tình hình thời tiết khi có diễn biến bất thường qua email, zalo, in trực tiếp trên giấy phép rời cảng, bến.
Để tăng cường giám sát và nâng cao trách nhiệm, Cảng vụ cũng vận hành hiệu quả hoạt động giám sát thông qua thiết bị hành trình GPS được lắp bắt buộc trên các phương tiện triển khai hơn 10 năm nay; thực hiện gắn trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tuân thủ lệnh huy động, điều động khi phải ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết; kiểm tra trang bị thông tin liên lạc, bản đồ bão, lịch thủy triều, la bàn và các thiết bị cần thiết khác...
Với những cách làm hiệu quả, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số gắn với nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, các hoạt động vận tải đường thủy nội địa ở Quảng Ninh nhiều năm nay đều được duy trì rất tốt. Không chỉ vận hành hiệu quả hạ tầng cảng bến đa dạng cho các hoạt động phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()