Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 08:13 (GMT +7)
Nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp du lịch
Thứ 4, 20/10/2021 | 08:59:15 [GMT +7] A A
Muốn đưa du lịch từng bước thoát khó và phục hồi trở lại thích ứng tình hình mới, vấn đề mấu chốt là phải khôi phục được năng lực hoạt động của doanh nghiệp du lịch, nhất là sau bốn đợt dịch, cả nguồn nhân lực và vật lực của các doanh nghiệp đều đã gần như cạn kiệt.
Hai năm qua, đối mặt với khủng hoảng do đại dịch Covid-19, hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã phải xin thu hồi giấy phép, hơn 90% số doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, kéo theo phần lớn lao động trực tiếp và gián tiếp buộc phải chuyển sang ngành nghề khác. Cùng với đó, việc sinh viên du lịch ra trường hai năm qua không tìm được việc làm cũng khiến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã tạo ra khoảng trống khó khỏa lấp về đội ngũ nhân lực du lịch, đặt các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng bám trụ qua mùa dịch vào thế “ngồi trên đống lửa” và buộc phải tìm cách cứu mình. Thời gian qua, để hạn chế đến mức thấp nhất sự đứt gãy về nguồn lực lao động, bên cạnh việc tìm cách tinh giản bộ máy, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại vị trí việc làm để giữ chân những nhân sự cốt cán, một số doanh nghiệp còn chủ động lên phương án đào tạo, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng mới cho người lao động nhằm đáp ứng những đòi hỏi của du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đơn cử, Công ty lữ hành Hanoitourist vừa qua đã tiến hành đào tạo trực tuyến cho khoảng 60 cán bộ, nhân viên về kỹ năng xây dựng, quảng bá sản phẩm, các yếu tố cần thiết để bảo đảm thực hiện tour du lịch an toàn, cách xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm Covid-19… Sáu công ty du lịch ở Hà Nội cũng đã triển khai chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí cho các nhân viên du lịch, sinh viên du lịch về quy trình tổ chức tour an toàn nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nhân lực du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chỉ riêng sự cố gắng của các doanh nghiệp là chưa đủ, cần thiết phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố để có những giải pháp đào tạo đồng bộ, quy mô. Không ít ý kiến cho rằng, có cầu ắt có cung, tức là khi du lịch sôi động trở lại, tức khắc sẽ có nhiều lao động “đầu quân”. Song với đặc thù là ngành kinh tế dịch vụ, nhân lực du lịch đòi hỏi phải được hướng dẫn trong thời gian dài mới có thể nhuần nhuyễn kỹ năng, tác phong phục vụ, cho nên ngay từ lúc này cần có chiến lược đào tạo ngay để kịp thời đón đầu nhịp tăng trưởng trở lại của du lịch trên cơ sở bảo đảm chất lượng dịch vụ. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, giai đoạn này du lịch sẽ phục hồi từ từ cho nên nhân lực mảng lữ hành sẽ không quá bức bách. Song thu hút nhân lực mảng nhà hàng, khách sạn, nhất là những nhân lực đào tạo theo tiêu chuẩn bốn, năm sao sẽ gặp nhiều khó khăn. Cần có những chính sách hỗ trợ về chương trình đào tạo, học phí đào tạo để tăng cường lực lượng đầu vào cho ngành du lịch.
Bên cạnh bài toán nhân lực, điều các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm còn là những chính sách thiết thực giúp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Ông Nguyễn Công Hoan cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như giảm tiền điện, giảm tiền ký quỹ, giãn nộp một số loại thuế, phí để vơi bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn để họ tiếp tục gắn bó với ngành. Đây là những giải pháp được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài và vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp cho nên thời gian hỗ trợ của các chính sách cũng cần được gia hạn. Chẳng hạn, với chính sách hỗ trợ liên quan việc đóng bảo hiểm xã hội, VAT của doanh nghiệp nên nới lỏng theo hướng cho doanh nghiệp được nợ đến thời điểm phục hồi trong vòng sáu tháng, bởi ngay khi phục hồi doanh nghiệp cũng chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đối với kinh doanh khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các doanh nghiệp đang quản lý hệ thống cơ sở vật chất khá lớn nhưng sau hai năm ngừng hoạt động, chi phí bảo dưỡng, duy tu cũng rất tốn kém. Cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp này để họ yên tâm đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng phục vụ du khách thời gian tới. Thêm một vấn đề nữa là thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch đã rất chủ động trong khâu truyền thông, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Nhưng hiện tại, mọi nguồn lực của doanh nghiệp đã chạm đáy, rất cần được cơ quan nhà nước hỗ trợ khâu xúc tiến, quảng bá. Quỹ Hỗ trợ du lịch nên sớm được đi vào hoạt động để hỗ trợ xúc tiến ở các thị trường du lịch cả trong nước và ngoài nước. Dù lúc này chưa thể đón khách quốc tế, nhưng nếu muốn thu hút họ tới thì công tác truyền thông, quảng bá phải được thực hiện ngay từ lúc này.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng: Để doanh nghiệp phục hồi, rất cần được hỗ trợ nguồn lực tài chính. Nhưng việc hỗ trợ không thể dàn đều mà cần đúng địa chỉ mới phát huy hiệu quả. Vì thế nên cân nhắc, lựa chọn để tìm ra những doanh nghiệp có thế mạnh vẫn đang hoạt động, vẫn đang duy trì được nguồn nhân lực để thí điểm nhận gói hỗ trợ, sau đó nếu phát huy hiệu quả có thể nhân rộng. Liên quan đến các vấn đề này, tại tọa đàm trực tuyến “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” vừa được Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang cùng các bộ, ngành liên quan đồng kiến nghị Chính phủ xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch. “Tôi tin rằng, khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ liệu cơm gắp mắm, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi”, Bộ trưởng bày tỏ. Bộ cũng đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()