Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:51 (GMT +7)
Nâng cao nhận thức về giảm thiểu nhựa trong sinh hoạt và sản xuất
Thứ 5, 31/10/2024 | 12:05:11 [GMT +7] A A
Sáng 31/10, tại TP Hạ Long, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội LHPN tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh, tổ chức hội nghị “Truyền thông phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh”.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện hội phụ nữ các khu phố, phường, xã trên địa bàn TP Hạ Long; đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sản phẩm tái chế, mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh; cùng các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn.
Các chuyên gia đã trình bày các chuyên đề: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nhựa; thực trạng và giải pháp hệ thống thu gom, tái chế chất thải; truyền thông, kinh nghiệm trong sáng tác, viết các tác phẩm báo chí về tài nguyên và môi trường; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hệ thống sản xuất tuần hoàn; giới thiệu các mô hình giảm thiểu chất thải nhựa trong một số hoạt động của các ngành hàng liên quan tới ngành thực phẩm tươi sống, đông lạnh.
Theo thống kê, mỗi ngày tỉnh Quảng Ninh phát sinh 1.300 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Để đảm bảo công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý được đồng bộ, tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp của Bộ TN&MT. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, từ đó hoàn thiện quy trình, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng loạt tại các địa bàn dân cư sau ngày 31/12/2024.
Những năm qua, tỉnh cũng đã nỗ lực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, tham gia phòng chống rác thải nhựa, đặc biệt trong du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, đạt nhiều kết quả tích cực. Các địa phương như Cô Tô và gần đây nhất là Vân Đồn, trở thành những điểm sáng của phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Ngày càng có nhiều người dân, hộ gia đình tích cực tham gia hưởng ứng các mô hình Ngôi nhà xanh, Biến rác thành tiền, Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền…
Việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, về pháp luật, chính sách, lợi ích và các mô hình thu gom, tái chế rác hiệu quả, mô hình sản xuất thân thiện môi trường, sẽ góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()