Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:04 (GMT +7)
Tiếp tục quan tâm chăm lo phúc lợi xã hội
Thứ 7, 13/05/2023 | 12:58:17 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn đặt nhiệm vụ chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người lên hàng đầu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, kéo giảm khoảng cách chênh lệch các vùng, miền trong tỉnh.
Cùng với các giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết quan trọng được triển khai đồng thời với nhiều nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh, góp phần phát huy hiệu quả các nguồn lực từ NSNN cũng như các nguồn huy động hợp pháp khác, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn. Tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của địa phương cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Toàn tỉnh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô không còn hộ nghèo; có 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đặc biệt, với phương châm “đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, trước sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ninh sớm nhận định có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, từ đó liên tục có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt với các kịch bản phòng, chống dịch để đảm bảo giữ vững địa bàn an toàn, giữ đà tăng trưởng kinh tế trong “trạng thái bình thường mới”, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Bám sát chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh tăng cường cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong đó, thực hiện nghiêm túc phân luồng, phân loại bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn, triển khai các giải pháp giãn cách và hạn chế tối đa người đến cơ sở khám, chữa bệnh, không để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở y tế. Tỉnh cũng đã phê duyệt đề án Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2023; tiếp tục hoàn thiện đề án Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Cùng với đó, tỉnh triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án như: Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024; quy định một số chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024; nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng; cấp nước sạch vùng nông thôn.
Tỉnh đang triển khai quyết liệt đề án Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án "Làng văn hoá công nhân Vùng mỏ" tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); dự án Nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà và dự án nhà ở xã hội (TP Hạ Long), nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà)...
Trong quý I, tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 156/258 hộ nghèo không có khả năng lao động theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ninh năm 2023; ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND (ngày 6/2/2023). Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách người có công và trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng. Cũng trong quý I, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 39.600 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động.
Tại kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường liên kết vùng bằng những cơ chế, giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH các vùng, miền; nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành hệ thống giao thông động lực, chiến lược; định hình các hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của 2 tuyến phía Tây và phía Đông. Đồng thời, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh thực hiện hợp tác kết nối trục kinh tế trục cao tốc phía Đông (Quảng Ninh - Hải Phòng, Hải Dương - Hưng Yên...); xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng (dự án cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cầu Triều và đường dẫn nối QL18 với tỉnh lộ 389; cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng) kết nối thành TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng); đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()