Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:49 (GMT +7)
Nâng chất nông thôn mới
Thứ 5, 28/03/2024 | 09:25:30 [GMT +7] A A
Huyện Vân Đồn đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Huyện kịp thời ban hành nhiều văn bản quán triệt, triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện xây dựng NTM. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM; triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tổ chức thực hiện chương trình, như: Vận động nhân dân hiến đất, dịch tường rào, đóng góp kinh phí, vật tư, cây trồng, ngày công, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm; tích cực tham gia xây dựng cộng đồng văn minh, văn hoá, giữ gìn ANTT, xây dựng các tổ chức đoàn thể cơ sở vững mạnh,…
Các xã có sự chủ động hơn, có phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn xây dựng NTM. Phong trào xây dựng đường thôn kiểu mẫu, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hàng rào xanh, cây bóng mát, vệ sinh môi trường dần đi vào nếp sống của người dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; văn hóa xã hội và môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; trình độ quản lý, lao động của cán bộ, nhân dân được nâng lên; hệ thống chính trị được tăng cường; an ninh xã hội được giữ vững. Việc tổ chức, bố trí các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình ngoài nguồn ngân sách tỉnh, huyện, các nguồn huy động khác, như vốn trong nhân dân, vốn lồng ghép, tín dụng, vốn doanh nghiệp được quản lý, sử dụng, thực hiện hiệu quả.
Với mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn thiện, hiện đại, huyện tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế… gắn với phát triển các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch trên địa bàn; gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu luôn được ưu tiên.
Hệ thống đường giao thông, trong đó 28,87km đường huyện, 106,63km đường xã và liên xã, 79,25km đường thôn, 81,21km đường ngõ xóm được đầu tư nâng cấp hoàn thiện; 100% các trục đường giao thông được bê tông hoá, nhựa hoá đạt chuẩn 100%; trên 88% tuyến đường được chiếu sáng; trên 85% tuyến đường được trồng cây xanh; đường giao thông nội đồng được đầu tư; hệ thống thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo trên 97,8% diện tích canh tác được tưới tiêu chủ động; 100% các trường học, trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo phục vụ công tác dạy và học, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, xu hướng dịch chuyển nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Huyện luôn quan tâm kịp thời có những chủ trương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện. Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được chỉ đạo thực hiện gắn với các mục tiêu tăng trưởng giá trị ngành, chú trọng sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường và phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trong trồng trọt, chăn nuôi, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào nhiều khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Chất lượng nông sản, thuỷ sản được kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị hàng hoá.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo ở các vùng nông thôn; các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS được quan tâm. Đến năm 2023 huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của trung ương. Lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; hằng năm có 1.500 lao động được tạo việc làm mới; 86,33% lao động khu vực nông được đào tạo, trong đó 60% có văn bằng, chứng chỉ, tăng 1,81% so với năm 2021.
Môi trường nông thôn có nhiều cải thiện. 100% người dân tham gia thu gom rác trên các địa bàn xã, thôn; trên 70% các hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung đạt 99,4%.
Đến hết năm 2023 huyện Vân Đồn có 11/11 xã (100%) được công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025; trong đó có 6 xã (54,5%) đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã (18,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện đã trình hồ sơ về Hội đồng cấp tỉnh thêm 1 xã hoàn thành NTM nâng cao, 2 xã hoàn thành NTM kiểu mẫu.
Huyện đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có ít nhất 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 8.000 USD/năm; duy trì tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo khu vực nông thôn ở mức 0%. Bên cạnh đó là các mục tiêu cụ thể về hạ tầng cơ sở, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, ANTT với kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()