Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:13 (GMT +7)
Nâng giá trị, sức cạnh tranh, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 3, 23/04/2024 | 14:28:27 [GMT +7] A A
Việc đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu khắc phục những rào cản liên quan đến biến đổi khí hậu, sự hạn hẹp về diện tích trong canh tác khi đô thị hóa ngày càng nhanh mà đây còn là một xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều thiết bị, công nghệ mới được áp dụng
Mới đây, buổi trình diễn phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái đã được xã Việt Dân (Đông Triều) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ nông nghiệp thị xã tổ chức tại cánh đồng sản xuất lúa tập trung 7,5ha của 56 hộ dân thôn Đồng Ý. Buổi trình diễn đã thu hút được nhiều hộ dân tham quan. Thiết bị máy bay không người lái chạy bằng pin, có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng, hoạt động theo chế độ thiết lập đường bay, điều chỉnh chế độ phun tự động cho lúa (các cây trồng) và trên nhiều địa hình khác nhau. Thuốc bảo vệ thực vật sau khi được pha chế sẽ được lắp đặt vào chiếc bình trong máy bay và điều khiển bằng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy bay sẽ tự động phun thuốc theo công nghệ phun sương. Theo ông Bùi Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Đông Triều: Việc phun thuốc trừ sâu trên lúa bằng thiết bị máy bay không người lái có ưu điểm là độ phân tán hạt thuốc đều, thời gian phun ngắn, chỉ khoảng 10-15 phút/ha cây trồng, có thể phun diện tích lớn, phun tập trung và sẽ tiết kiệm được 30% lượng thuốc và 90% lượng nước so với phương thức thủ công và đảm bảo an toàn cho người nông dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun thuốc.
Việc sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho các cánh đồng đã được Đông Triều triển khai từ năm 2021 đến nay. Hiện Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã phổ biến kỹ thuật này đến các hộ dân của 20 xã, phường trên địa bàn. Đây cũng đang là một hướng đi trên hành trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thị xã.
Ngoài Đông Triều, tại nhiều địa phương, hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở và hộ dân đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cùng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, chế biến. Tiêu biểu như tại Công ty CP Thuỷ hải sản Tất Thành, TX Quảng Yên. Hiện doanh nghiệp đang có các thiết bị tiên tiến như máy đục, xâu vỏ hàu tự động có thể thay thế cho 8-10 nhân công lao động; hệ thống sục khử khuẩn ruột hàu diệt vi khuẩn ecoli và tách kim loại nặng; máy đóng gói công nghệ MAP đảm bảo cho sản phẩm có thể tươi ngon đến 7 ngày. Anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi chú trọng đầu tư cho KH&CN để nâng cao hiệu suất làm việc, tiết giảm chi phí thuê nhân công, đồng thời tăng chất lượng và giá trị cho mỗi con hàu. Đến nay, chúng tôi không chỉ có đầu ra ở thị trường trong nước mà còn vươn xa ra các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia với sản lượng từ 50-100 tấn hàu vỏ và 10 tấn hàu ruột mỗi tháng.
Tăng cường tiềm lực KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp
Với việc tiếp cận KH&CN và hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đã giúp nông dân và các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Bên cạnh sự chủ động từ phía người dân, doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển KH&CN cho lĩnh vực nông nghiệp; bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung...
Hiện nay, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không ngừng tăng. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác, trên 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất và trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã dành từ 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương với khoảng 600-800 tỷ đồng cho KH&CN, trong đó có ngành nông nghiệp.
Tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó, tiếp tục nhấn mạnh vai trò của KH&CN đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đa lợi ích. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KH&CN cao, chế biến sâu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Cùng với đó là triển khai các đề tài, nhiệm vụ KH&CN về lưu giữ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản…
Hiện tại, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()