Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 16:12 (GMT +7)
Nâng tầm di tích Thương cảng Vân Đồn
Chủ nhật, 21/02/2021 | 07:38:57 [GMT +7] A A
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 255/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện.
Bức tranh của họa sĩ Tây Ban Nha phác hoạ bến Cái Làng thuộc Thương cảng Vân Đồn hiện được lưu giữ tại đình Quan Lạn. |
Theo đó, phạm vi không gian bao gồm các địa điểm, địa danh có liên quan, các phế tích khảo cổ học và các di tích kiến trúc hiện còn, cùng cảnh quan khu vực Thương cảng cổ Vân Đồn. Phạm vi thời gian từ khi người Việt cổ có mặt ở Vân Đồn đến khi hình thành Thương cảng cổ Vân Đồn cho đến ngày nay. Địa điểm nghiên cứu tại các xã Thắng Lợi, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn và các điểm di tích có liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Thành lập từ thời nhà Lý, năm 1149 đời vua Lý Anh Tông, Thương cảng Vân Đồn đã góp phần vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc Đại Việt. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt. Thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16.
Nhiều nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu, đánh giá về Thương cảng Vân Đồn; khẳng định vai trò của nó trong lịch sử ở 2 phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và là vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vùng biển Đông Bắc.
Sơ đồ khu di tích Thương cảng cổ Vân Đồn. |
Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã quan tâm nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu. PGS Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) trong các công bố nghiên cứu của mình đã khẳng định Thương cảng Vân Đồn nằm trong quần đảo Vân Hải. Cụ thể là tại bến Cái Làng (Quan Lạn) và Cống Đông, Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn).
Căn cứ để nghiên cứu là các bến bãi cổ vương vãi đầy mảnh gốm sứ, sành thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Bến cổ Cái Làng và bến Cống Cái là hai bến trung tâm của Thương cảng Vân Đồn. Nhân dân vùng đảo quen gọi những vụng biển kín đáo đậu được thuyền tránh bão là Cái. Cái Làng tức là nơi dân cư đông đúc được tổ chức thành làng. Câu phương ngôn "Gái Liễu Mai, trai làng Vân" thực ra là ca ngợi trai tài gái sắc của làng Liễu Mai (Cái Làng) và trai Sơn Hào ngày nay.
Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà sử học đều chung nhận định Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống hàng chục bến thuyền cổ phân bố trên các đảo, ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên. Thương cảng Vân Đồn trong suốt hơn 700 năm lịch sử, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau.
Cùng với đó là một số di tích văn hóa tín ngưỡng chùa tháp ở Vân Đồn và các vùng phụ cận. Cụ thể, có cụm di tích Cống Đông- Cống Tây, cụm di tích bến Cái Làng, cụm di tích bến Cống Cái, di tích bến Con Quy, di tích bến Cái Rồng, di tích bến Cống Yên, di tích bến Đượng Hạc hòn Ráu, di tích bến Gạo Rang, di tích bến Bang và bến Đâm Gạo, di tích bến Vạn Ninh.
Trung tâm của di tích Thương cảng Vân Đồn gồm nhiều bến thuyền cổ, phạm vi 200km2 trong vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Vùng Cống Đông- Cống Tây là trung tâm một thời của thương cảng Vân Đồn.
Dấu tích bến Con Quy thuộc xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn). |
Giá trị lịch sử, văn hoá của Thương cảng Vân Đồn và tầm ảnh hưởng của nó đến lịch sử Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung, đã được nhiều nhà khoa học khẳng định. Với những giá trị to lớn đó, bến Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi) và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) thuộc các bến thuyền cổ Thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2003.
Việc lập hồ sơ khoa học đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn là việc làm hết sức cần thiết. Đây cũng là việc nhằm làm cho công tác bảo tồn phát huy hiệu quả giá trị di tích Thương cảng Vân Đồn tương xứng với giá trị vốn có của di sản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và các nhà khoa học, đồng thời xây dựng sản phẩm văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()