Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:41 (GMT +7)
Nâng tầm ngành nông nghiệp
Thứ 7, 16/01/2021 | 13:08:03 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước tiến đáng kể cả về chất và lượng. Các vùng sản xuất, mô hình nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng bộ các giải pháp
Khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. |
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, Quảng Ninh đã dành 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương 600-800 tỷ đồng cho KHCN, trong đó có ngành Nông nghiệp. Cụ thể là tiếp tục triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5-8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính…
Cùng với đó, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất về vốn, cơ sở hạ tầng...; tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp về chính sách, đã mở hướng cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực nông nghiệp.
Qua đó, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh có những bước chuyển tích cực theo hướng hiện đại hóa. Đến nay, tỉnh đã có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao, hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp, nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn… Các mô hình nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, giàu hàm lượng KHCN trong từng sản phẩm; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tạo thành các vùng canh tác có chất lượng tốt và an toàn.
Điển hình như Khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao tại xã Tân Lập (huyện Đầm Hà) của Tập đoàn Việt - Úc là một trong những dự án được doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư bài bản, đang hoạt động hiệu quả. Đơn vị đã mạnh dạn đầu tư khu nhà sản xuất tảo Artemia; phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế; hệ thống lọc nước tự động hiện đại nhất thế giới... Với hệ thống này, khu phức hợp đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn để cung ứng ra thị trường với công suất 8 tỷ con giống/năm. Được biết, riêng năm 2020, Tập đoàn Việt - Úc xuất bán ra thị trường trên 600 triệu con tôm giống, đáp ứng nhu cầu về tôm giống chất lượng cao, cung cấp cho các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, Quảng Ninh hiện cũng có một số mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật cao như vùng trồng vải thiều, vải chín sớm phương Nam (TP Uông Bí), na (TX Đông Triều), bảo tồn gen và phát triển lợn Móng Cái, gà Tiên Yên. Đặc biệt, tại TX Đông Triều, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang được đầu tư sản xuất với diện tích 109ha cung cấp rau sạch cho Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Với sự đồng hành, đầu tư đồng bộ công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các đối tượng chủ lực tăng nhanh về số lượng, chất lượng. Một số vùng sản xuất tập trung cho kết quả vượt so với kế hoạch, như: Trồng vải đạt 102,32%; nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 100,45%; nuôi tôm tập trung đạt 203,32%; nuôi nhuyễn thể đạt 100,41%...
Trồng rau trong nhà lưới tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. |
Bên cạnh đó, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp. Thông qua thực hiện đề án đã đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, một số vùng trồng trọt trong tỉnh đã thực hiện quy trình VietGAP đảm bảo VSATTP như na, vải thiều (TX Đông Triều), vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí)... Chăn nuôi đã chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm; đối tượng vật nuôi chủ lực, thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Mặt khác, việc quản lý chất lượng nông sản cũng được tỉnh tập trung siết chặt. Nổi bật Quảng Ninh đã xây dựng 4 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn gồm: Thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng, rau, chả mực. Theo đó, các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời về cơ sở kỹ thuật cho sản xuất, chế biến, kinh doanh; giám sát chất lượng ATTP; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; thuê điểm, gian hàng kinh doanh... Toàn tỉnh hiện có 269 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Năm 2020, toàn tỉnh đã cấp phát trên 100.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống làm giả cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản...
Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều), đơn vị sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo VSATTP, chúng tôi đã thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình sản xuất. Đảm bảo nông sản an toàn cũng chính là cách hiệu quả nhất để phát triển nông nghiệp bền vững và giữ được niềm tin của người tiêu dùng. Hằng tháng, ngành chức năng đều thực hiện lấy mẫu giám sát 2 lần, qua kết quả giám sát, sản phẩm rau, củ, quả của công ty đều đảm bảo các tiêu chuẩn và cung cấp an toàn đến tay người tiêu dùng.
Mô hình trồng rau thủy canh cho hiệu quả, chất lượng cao của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều). |
Với những giải pháp đồng bộ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Riêng năm 2020, giá trị tăng trưởng ngành Nông nghiệp tăng hơn năm trước là 4,1%, tăng 0,9% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất của toàn ngành trên 25.000 tỷ đồng, đóng góp 6,1% vào GRDP của tỉnh, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong đó, riêng sản lượng sản xuất thủy sản là 146.000 tấn, tốc độ tăng trưởng so với năm 2019 là 9,3%; đóng góp nguồn thu cho ngành Nông nghiệp 13.700 tỷ đồng tính theo giá hiện hành, chiếm đến 56% giá trị toàn ngành, đóng góp 3,7% vào GDRP của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực đạt 227.128 tấn, tăng 1,3%; sản lượng cây ăn quả, cây công nghiệp tăng 4,5%. Tổng đàn gia cầm tăng 4,8%, tổng đàn bò tăng 5,3%. Đàn lợn tăng 1,8% và đồng thời kiềm chế được dịch tả lợn châu Phi. Lĩnh vực lâm nghiệp giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%...
Mở hướng đi mới nâng tầm giá trị
Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra cho ngành Nông nghiệp Quảng Ninh là tối thiểu 3,5%, phấn đấu ở mức 4,5%. Từ mục tiêu tăng trưởng, kịch bản phát triển nông nghiệp năm nay sẽ có nhiều điểm khác so với trước, trong đó cùng với tăng về sản lượng, số lượng thì mục tiêu cốt yếu, cao nhất là tăng về giá trị.
Mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Minh Ngọc, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều, mang lại một hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương. |
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công, để đạt được mục tiêu đó, Sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ. Ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại. Trong đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn; phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP ASC...
Phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tiếp tục hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản các đối tượng chủ lực, các loài đặc thù của tỉnh, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đặc biệt, hoàn thiện, vận hành ổn định khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung cho các vùng nuôi tập trung, nuôi các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh.
Chế biến trà hoa vàng tại cơ sở sản xuất của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ. Ảnh: Khánh Giang |
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng nhà máy chế biến, để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực của tỉnh, tăng lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm; gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành các điểm làm nông nghiệp trải nghiệm.
Du khách tham gia trải nghiệm Hội Mùa vàng 2020 tại Bình Liêu. |
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thông qua việc đầu tư khoa học, công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Điển hình như các sản phẩm: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau củ quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...
Các đại biểu ấn nút công bố và khởi động hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tỉnh Quảng Ninh. |
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ vào khuyến nông, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen quý, khai thác quỹ gen phục vụ công tác chọn lọc, cải tạo những giống đặc sản, tiếp nhận chuyển giao, phổ biến giống mới, các quy trình sản xuất hiệu quả; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chủ động cập nhật số liệu, dữ liệu, chỉ đạo điều hành nhằm kết nối với Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()