Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay cho biết các nước thành viên trong khối đang thảo luận về triển khai đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng sử dụng, đồng thời tăng cường minh bạch về tình trạng kho vũ khí để cải thiện năng lực răn đe.
"Tôi sẽ không nói chi tiết về số lượng đầu đạn hạt nhân có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhưng đây là một trong những vấn đề cần tham vấn trong khối. Tính minh bạch sẽ giúp truyền tải thông điệp trực diện rằng NATO là liên minh hạt nhân", ông nói.
Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định mục tiêu của NATO là thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng nhấn mạnh họ vẫn phải duy trì trạng thái liên minh hạt nhân chừng nào loại vũ khí này chưa bị giải giáp.
"Thế giới sẽ rất nguy hiểm nếu NATO không có vũ khí hạt nhân, trong khi Nga, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn sở hữu khí tài hủy diệt hàng loạt. Vũ khí hạt nhân là biện pháp bảo đảm an ninh tối thượng, cũng là giải pháp để duy trì hòa bình", quan chức NATO nói.
NATO hiếm khi đề cập công khai đến kho vũ khí hạt nhân của khối.
Theo thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân với các thành viên NATO, Mỹ đã triển khai đầu đạn tại các căn cứ của đồng minh ở Tây Âu từ những năm 1950, khi căng thẳng với Liên Xô leo thang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên được Mỹ đưa tới Anh năm 1954, sau đó triển khai tới lãnh thổ Đức, Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Hy Lạp và Bỉ.
Số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai ở châu Âu đạt đỉnh hơn 7.000 vào thập niên 1970, sau đó giảm mạnh vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, do ảnh hưởng của những thỏa thuận kiểm soát vũ khí và chấm dứt cạnh tranh siêu cường với Liên Xô. Phần lớn số vũ khí này được lưu trữ trong kho ở các thành viên NATO tại châu Âu.
Báo cáo được Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố năm 2019 cho thấy Mỹ đang lưu trữ hơn 150 đầu đạn hạt nhân tại căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italy, Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).
Anh và Pháp có lực lượng hạt nhân riêng nên không còn lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ý kiến ()