Kể từ khi Covid-19 khởi phát, các nhà khoa học đau đầu nghiên cứu về di chứng và các tác hại của căn bệnh lên cơ thể người. Bên cạnh tổn thương về phổi, họ phát hiện căn bệnh gây tác hại lên tim mạch, làm thuyên tắc phổi và tấn công cả hệ thống mạch máu.
Nghiên cứu xuất bản trên Circulation Research cho thấy cách Covid-19 gây tổn hại và tấn công hệ thống mạch máu ở cấp độ tế bào. Phát hiện này giúp giải thích nhiều loại biến chứng dường như không liên quan trực tiếp đến Covid-19, mở ra cơ hội nghiên cứu về các liệu pháp điều trị hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, chính tình trạng viêm mô mạch máu đã làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Giáo sư trợ lý Uri Manor, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nhiều người nghĩ Covid-19 là bệnh hô hấp, nhưng nó còn là bệnh về mạch máu. Điều này giải thích tại sao một số người bị đột quỵ, một số gặp vấn đề ở các cơ quan khác trong cơ thể. Điểm chung giữa chúng là đều có nền tảng từ mạch máu".
Đây không phải kết quả quá bất ngờ, song nghiên cứu đã xác nhận và giải thích chi tiết về cơ chế làm tổn thương tế bào nội mạc máu của nCoV.
Trong nghiên cứu mới, giáo sư Manor và các đồng nghiệp đã tạo ra một virus "giả dạng" nCoV, cũng có lớp protein gai (protein S) bao quanh, song không có độc lực như virus gốc. Các mẫu mô của chuyên gia cho thấy tình trạng viêm ở các tế bào nội mạc lót động mạch phổi.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tái tạo quá trình này trong phòng thí nghiệm, để các tế bào nội mạc khỏe mạnh tiếp xúc với protein S. Họ nhận thấy protein S phá hủy tế bào bằng cách liên kết với thụ thể (vỏ protein) ACE2.
Kể từ năm ngoái, các nhà khoa học đã xác nhận Covid-19 gây hiện tượng rối loạn đông máu. Đông máu ở người mắc Covid-19 biểu hiện khá đa dạng, từ tổn thương da lành tính ở bàn chân, đến tắc nghẽn mạch máu, đôi khi là đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Cục máu đông có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng hô hấp của bệnh nhân đã chấm dứt.
Thực tế, nhiễm trùng do virus gây ra đông máu không phải điều bất thường. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, y bác sĩ cũng ghi nhận cục máu đông có thể gây tử vong trong cơ thể bệnh nhân. Virus gây bệnh HIV, Ebola đều khiến các tế bào máu dễ vón cục. Song biểu hiện ở người mắc Covid-19 rõ rệt hơn cả.
Giáo sư Levy nhận định một số đặc tính của nCoV đã khiến cho chứng đông máu phát triển đến mức nghiêm trọng, "chưa từng thấy trước đây".
Các cục máu đông hình thành trong ống thông động mạch hoặc bộ lọc máu của bệnh nhân chạy thận. Nguy hiểm hơn nữa là cản trở lưu lượng máu trong phổi, gây khó thở.
Margaret Pisani, phó giáo sư y khoa tại Đại học Y Yale, nhận định đây có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có sức khỏe bình thường đột ngột chuyển nặng, thiếu oxy máu nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
Edwin Van Beek, chủ nhiệm khoa X-quang lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Y khoa, Đại học Edinburgh, cho biết nghiên cứu độc lập từ Pháp và Hà Lan phát hiện 30% bệnh nhân Covid-19 nặng bị thuyên tắc phổi. Đây là tình trạng tắc động mạch phổi do cục máu đông từ hệ tĩnh mạch chi dưới. Nếu không được điều trị, biến chứng có thể gây ra ngừng tim. Ngay cả những cục máu nhỏ trong mao mạch cũng có thể làm gián đoạn lưu lượng máu, ảnh hưởng đến quá trình trợ thở.
Cục máu đông cũng hình thành tại các bộ phận khác nhau, gây tổn hại tới nhiều cơ quan bao gồm tim, thận, gan, ruột và mô, dẫn đến đột quỵ. Trong hai tuần đầu của tháng 4, hệ thống Y tế Mount Sinai của Manhattan, Mỹ, đã ghi nhận 5 trường hợp đột quỵ. Tất cả đều là các bệnh nhân Covid-19 trẻ hơn 50 tuổi.
Ý kiến ()