Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:37 (GMT +7)
Nên để thị trường điều tiết, doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?
Thứ 3, 30/07/2024 | 22:06:52 [GMT +7] A A
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, nên để thị trường điều tiết, để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu.
Sửa đổi chính sách quản lý giá xăng dầu, thay đổi cơ chế quản lý hành chính Nhà nước hiện nay sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết; nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu.
Đề xuất này được đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội đưa ra tại Tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả," do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30/7.
Phân tích về đề xuất này, ông Cường cho biết Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là chúng ta có 3 công cụ chủ yếu: điều hành thông qua giá cơ sở, sử dụng công cụ về thuế và bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn. Việc điều hành đó đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Nhờ vậy, trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới, chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Cường đánh giá vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Chúng ta phải phụ thuộc vào biến động bất thường, thường xuyên của thế giới, trong vòng chậm nhất là 7 ngày.
"Vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tính toán," ông Hoàng Văn Cường dẫn chứng.
Theo ông Cường, trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa, đương nhiên họ sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất là có những thời kỳ, có nơi thông báo hết xăng dầu, không bán được.
Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất chúng ta dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước, nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.
Giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Nếu doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước, thông qua hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập.
"Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua. Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Chúng ta phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn," ông Cường cho hay.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. Đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.
Nêu quan điểm, khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, ông Bảo cho rằng, phải áp dụng những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu.
"Thực tế tất cả các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh. Nhưng nếu sử dụng nghiệp vụ này ở Việt Nam, nếu đúng thì không sao, nếu lỗ thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi đây là hoạt động tài chính, không được tổ chức hoạch toán,” ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hết sức đúng đắn, là phải đánh giá, rà soát lại và xây dựng mới nghị định để thay thế những tồn tại trong Nghị định 83, Nghị định 95… trong thời gian vừa qua.
Chỉ ra nghịch lý xăng dầu phi hàng không có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, có hệ thống bán lẻ rất đồ sộ và phức tạp, tính hành chính nhiều, tính thị trường ít, trong khi xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp thì Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá, Bộ Tài chính chỉ quản lý một phần nhỏ về phí, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam nhận định cần sửa đổi về quản lý giá xăng dầu để có sự hợp lý trong tiếp cận xăng dầu dân dụng bình thường và xăng dầu hàng không.
Nếu không quản lý được giá sẽ sinh ra nghịch lý thứ 2, đó là hiện nay, đối với hàng không, chi phí xăng dầu đang là cao nhất. Trong khi đó, đối với đường bay nội địa, Nhà nước đang thả nổi chi phí, giá nhiên liệu đầu vào, không theo phụ thu nhiên liệu và áp thuế nhập khẩu 7% còn bay quốc tế thì không áp trần, không phải trả thuế nhập khẩu.
Ông Lương Hoài Nam cũng cho rằng cần dùng công cụ thị trường trước, công cụ hành chính là biện pháp cuối cùng. Hết công cụ thị trường mà cần tiếp tục bình ổn giá thì áp dụng công cụ hành chính.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc cấp thiết hoàn thiện Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình biến động của thị trường xăng dầu hiện nay. Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ xây dựng một dự thảo nghị định mới.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã tiến hành dự thảo lần thứ ba và đang trình Bộ Tư pháp để thẩm định. Trong văn bản này có nhiều nội dung mới về công thức và cơ chế định giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá, điều kiện kinh doanh xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()