Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:41 (GMT +7)
Những "cây cọ" nữ ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 17/10/2021 | 10:25:48 [GMT +7] A A
Trong đội ngũ những người cầm cọ ở Quảng Ninh, số lượng nữ họa sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, họ cũng đã để lại những ấn tượng đặc biệt đối với công chúng yêu nghệ thuật sắc màu.
Người đầu tiên phải nói đến là họa sĩ Mai Anh, nữ họa sĩ rất thành công với dòng tranh khắc. Họa sĩ Mai Anh tên thật là Lê Mai Khanh, sinh năm 1951 tại Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà trở thành giảng viên của nhà trường.
Họa sĩ Mai Khanh thuần thục nhiều kỹ thuật (khắc gỗ, khắc kẽm, khắc thạch cao, khắc cao su) pha trộn ngôn ngữ tranh in khắc và in độc bản. Một số tác phẩm tiêu biểu của bà như: “Làm máy”, “Sửa lò”, "Làm khuôn” (1982, khắc kẽm), “Bà cháu, mẹ con, ca trù” (1984-1985, khắc gỗ), “Chiến lũy” (1988, khắc cao su), “Bắt cá” (1995, khắc gỗ), “Mùa màng” (1995, khắc kẽm), “Hoa và trăng” (1996, khắc thạch cao), “Vũ điệu” (1997, tổng hợp), “Hội rối nước” (1998, khắc gỗ), v.v..
Họa sĩ Lê Mai Khanh thường xuyên có tranh tham gia các triển lãm trong và ngoài nước như: Triển lãm Tranh đồ họa tại Brno Tiệp Khắc năm 1986, Triển lãm Tranh đồ họa tại Botton, Mỹ năm 1991, Triển lãm Tranh đồ họa, lụa tại Paris, Pháp năm 1992. Bà cũng có tranh treo tại các triển lãm ở Mỹ, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển…
Tranh của họa sĩ Lê Mai Khanh đã đoạt Giải nhất Triển lãm nghệ thuật đồ hoạ 1975-1985, giải nhất Triển lãm đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 1989, giải A Triển lãm đồ họa toàn quốc năm 1985, Huy chương Bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Bà là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984, được trao danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”. Họa sĩ Mai Khanh qua đời năm 2017.
Trong giới hội hoạ Quảng Ninh đương đại, Nguyễn Thị Thiền là một trong số rất ít nữ hoạ sĩ. Hoạ sĩ Nguyễn Thị Thiền sinh năm 1970, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là giảng viên Trường Đại học Hạ Long, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật của Hội VHNT tỉnh, Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, giải thưởng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thiền sáng tác tranh bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ nhưng khẳng định mình ở tranh lụa. Tranh lụa của Nguyễn Thị Thiền có cái nhìn giản dị, mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn mang tính cách điệu cao và giàu biểu cảm. Dường như cái êm đềm của tranh lụa đã đem lại cho chị cảm giác thăng bằng trong cuộc sống, đó là nguồn cảm hứng để cho họa sĩ sáng tác.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thiền đi sâu vào tranh lụa phần nào cũng vì nó đầy nữ tính. Lụa là chất liệu truyền thống của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vẽ lụa đòi hỏi phải bố cục kỹ, cầu kỳ mà phụ nữ thường tỉ mỉ hơn.
Với những thể nghiệm của mình, họa sĩ Nguyễn Thị Thiền đã khám phá rộng hơn ngôn ngữ biểu hiện của chất liệu lụa. Chị đã khéo léo kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, gam màu trong tranh lụa của chị rực rỡ hơn, tương phản mạnh hơn, đường nét và bố cục mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đằm thắm, tinh tế…
Tranh của chị được treo tại nhiều triển lãm của tỉnh, khu vực và toàn quốc, như: “Tổ thêu” được chọn vào Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, tác phẩm “Dung Quất nhịp sống mới” trong Triển lãm tranh lụa toàn quốc năm 2007, tác phẩm “Sắc màu cuộc sống” trong Triển lãm toàn quốc 2010, “Giữ biển đảo quê hương” được trao giải C - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2014 tại Hà Nội.
Không chỉ là tay máy nữ trong làng nhiếp ảnh Quảng Ninh, Bùi Tân Việt còn thể hiện tình yêu rất nữ tính với quê hương mình thông qua hội họa. Họa sĩ Bùi Tân Việt sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chị trở về Quảng Ninh làm giáo viên dạy mỹ thuật tại một trường tiểu học ở Hạ Long. Các nhân vật trong tranh của Bùi Tân Việt được phân đều trong toàn tranh, cách vẽ ước lệ, đậm chất trang trí giữa người và màu, tranh có nhịp điệu, ít màu nhưng vẫn gợi được nhiều điều cho người xem.
Một nữ họa sĩ khác cũng gây ấn tượng với những tác phẩm hội họa sáng tạo trong sử dụng các chất liệu thiên nhiên là Vũ Thị Đậm, thành viên Làng tranh Yên Hưng. Nhờ chất liệu thiên nhiên mà những tác phẩm của chị đem lại cho người xem đều cảm thấy “quen quen”… Tranh của Vũ Thị Đậm có đường nét chuyển động, màu sắc hài hoà và kín đáo rất nữ tính với những tác phẩm bột màu, sơn dầu và tổng hợp; dân dã với tác phẩm bằng xơ dừa tự nhiên. Làng tranh Yên Hưng còn có sự góp mặt của các nữ họa sĩ như: Đặng Minh Hậu, Đặng Thị Minh Thư, Đào Mai Quỳnh, Đỗ Thu Hoài, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Tháp.
Lớp thiếu niên nhi đồng được học vẽ qua các lớp năng khiếu hè ở Quảng Yên đã từng giành nhiều thành tích xuất sắc, như: Đặng Minh Hậu mới 9 tuổi, giành giải ba tranh cổ động cấp quốc gia về “Phòng chống ma tuý trong các trường học của các nước ASEAN” do các nước của khu vực ASEAN tổ chức năm 1997; Đặng Thị Minh Thư mới 14 tuổi, đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan tranh nghệ thuật thanh thiếu niên Quốc tế tại SHANKAR - Ấn Độ năm 1998; Đào Mai Quỳnh 12 tuổi, đoạt giải nhất năm 2002.
Đây hứa hẹn sẽ là những cây cọ nữ còn đạt nhiều thành công trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển của mỹ thuật Quảng Ninh.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()