Tất cả chuyên mục

Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris L. thuộc họ Cúc Asteraceae, trong dân gian còn có thể gọi là thuốc cứu, cây thuốc cao hay cây ngải diệp. Ngải cứu có tính ôn, vị đắng, hơi cay.
![]() |
Cây ngải cứu. |
Đây là loại cây rất tốt trong điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, an thai, chữa đau bụng do hàn, thổ huyết, đau xương khớp, nhức lưng, trị ho, giảm sốt. Ngải cứu có chứa tanin, chất có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, điều trị được các vết thương ngoài da và một số chứng bệnh viêm da khác. Các hoạt chất làm tăng tuần hoàn máu có trong ngải cứu giúp tan máu đông, máu cục, làm mờ vết sẹo nhanh chóng. Mặt khác, ngải cứu còn chứa một số hoạt chất giúp xúc tiến tuần hoàn máu toàn thân, nhờ vậy có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp cho da được nuôi dưỡng tốt, vết thương mau lành và nhanh lên da non. Qua ứng dụng thực tế cho thấy, việc sử dụng ngải cứu điều trị một số bệnh, như: Ho, ho khan; sốt cao; đau đầu không rõ nguyên nhân... cho kết quả rất tốt. Bên cạnh đó, ngải cứu còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể; điều hòa kinh nguyệt.
Tuy nhiên, một số trường hợp không nên sử dụng cây ngải cứu, như: Người đang mắc các bệnh viêm gan nếu ăn ngải cứu sẽ gây rối loạn quá trình chuyển hóa của các tế bào gan khiến da bị vàng đi, nước tiểu đục, gan to, nước tiểu có chứa dịch. Phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu không nên dùng ngải cứu bởi nguy cơ ra máu, cổ tử cung bị co bóp dẫn tới việc sảy thai hoặc sinh non là rất cao. Bệnh nhân bị rối loạn đường ruột tuyệt đối không nên sử dụng ngải cứu vì có thể khiến đi tiểu nhiều lần, đường ruột rối loạn, nguy cơ viêm ruột cấp tính.
Bài thuốc chữa ho, ho khan như sau:
Bài 1: Lá ngải cứu tươi 1 nắm. Lá chua me (lá nhỏ). Tất cả rửa sạch giã lấy nước cốt uống.
Bài 2: Lá ngải cứu tươi 1 nắm. Củ địa liền 1 mẩu (đốt ngón tay) cạo sạch vỏ ngoài. Tất cả đem giã lấy nước cốt ngậm, uống
Bài 3: Đối với trẻ em ho do cảm lạnh, hay bị viêm họng: Dùng 1 nắm lá ngải cứu giã nát, sao với rượu địa liền, hoặc cho vào lò vi sóng quay nóng. Sau khi sao (quay) xong để thuốc nguội dần chỉ còn nóng ấm (tránh bị bỏng), dùng khăn vải bọc thuốc buộc vào cổ trẻ nhỏ trong vòng 30 phút đến 1 giờ hoặc có thể buộc qua đêm là hết ho.
Bài 4: Ho lâu ngày chưa rõ nguyên nhân, đã dùng nhiều kháng sinh mà ho không dứt: Lá ngải cứu tươi 1 nắm (tùy vào khả năng của từng người mà số lượng có thể tăng, giảm); rửa sạch, thái nhỏ. Phổi lợn 1 miếng 50-70g, rửa sạch, băm nhỏ, ướp rượu trắng 30 phút. Rang phổi chín kỹ, bỏ ngải cứu vào chảo đảo qua khi ngải chín tới thì bỏ ra ăn liền ngay khi còn nóng. Làm đôi lần là bệnh ho dứt điểm. Nếu không dùng phổi lợn có thể dùng 1-2 quả trứng gà để thay thế, tuy nhiên hiệu quả chữa bệnh sẽ kém hơn.
Bác sĩ Vi Văn Thái
(Trung tâm Thừa kế và ứng dụng đông y Việt Nam tại Quảng Ninh)
Ý kiến ()