Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:54 (GMT +7)
Ngăn chặn các chiêu trốn thuế kinh doanh trực tuyến
Chủ nhật, 27/10/2024 | 07:44:04 [GMT +7] A A
Để trốn thuế, những người bán hàng còn đề nghị người mua hàng trả tiền mặt, thay vì chuyển khoản, hoặc thay vì chuyển tiền mua hàng, thì người bán đề nghị người mua chuyển khoản ghi "trả nợ", "quà tặng"… Tổng cục Thuế đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các tình trạng trốn thuế này.
Trở thành xu hướng phát triển tất yếu, thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ một cách mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam. Trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 và dự báo quý IV/2024 mới được Metric phát hành, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng đạt 2,430 triệu sản phẩm, tăng 49,8% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Để quản lý hoạt động TMĐT, chống thất thu thuế, cơ quan thuế tiếp tục làm giàu dữ liệu thông tin từ sàn giao dịch TMĐT trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tính đến nay đã có 404 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế, tăng 43 sàn so với thời điểm cuối năm 2023. 9 tháng năm 2024, số thuế hoạt động TMĐT đã nộp ngân sách đạt khoảng 78 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với số thuế bình quân 8 tháng năm 2023.
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT không chỉ tạo ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh mà còn mang đến những thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Ghi nhận trong thời gian qua, nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người nộp thuế. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh TMĐT phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất "ẩn danh" rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội. Điển hình như một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, họ hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như "cho vay", "trả nợ", "quà tặng"…; còn người bán hàng trực tiếp thì yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản. Ngoài trường hợp điển hình trên, người kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội còn nhiều phương cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình. "Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình TMĐT và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó mới có căn cứ tính thuế", Tổng cục Thuế đánh giá.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế theo phương pháp "tự kê khai, tự nộp". Để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế thực hiện kê khai và nộp thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định, trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế (https://gdt.gov.vn) đã có chuyên mục riêng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế điện tử. "Cơ quan thuế khuyến cáo những tổ chức kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn giao dịch TMĐT cần chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế "rà" đến tên. Cơ quan thuế rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành quản lý TMĐT, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này", Tổng cục Thuế đánh giá.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ngành Thuế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thống nhất. Cụ thể, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng. Song song với đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử. Đồng thời, nhằm hỗ trợ hiệu quả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã ban hành "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan Thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc. Ngoài ra, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành Thuế mà còn thống nhất trong các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động TMĐT, nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế…
Đặc biệt, ngành Thuế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó Bộ Công an cùng với cơ quan thuế sẽ rà soát và đồng nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu mã số thuế. Bộ Công Thương sẽ cung cấp dữ liệu về sàn giao dịch TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chia sẻ dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình. Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin về dòng tiền thanh toán, về tài khoản cá nhân…
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()