Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:02 (GMT +7)
Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương 14/5 (1951-2024) Ngành Công Thương: Chủ động hội nhập, phát triển
Thứ 3, 14/05/2024 | 12:33:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh những năm qua có sự phát triển mạnh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng như trong cả nước. Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, ngành Công Thương Quảng Ninh đã nỗ lực đổi mới hoạt động. Các chỉ số công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu ngành Công Thương phụ trách đạt nhiều kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngành Công Thương luôn bám sát các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, chủ đề công tác năm của tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, trong đó chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Điển hình, trong triển khai thực Nghị quyết 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ngành Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thông tin các cơ chế, chính sách; đẩy nhanh tiến độ hạ tầng lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các KCN, CCN thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển ngành Công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao… Đến nay, ngành công nghiệp CBCT đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP tăng từ 9,8% (năm 2020) lên 11,7% (năm 2023); tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp CBCT đạt xấp xỉ 160,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt trên 4,620 tỷ USD; tạo việc làm mới cho 23.886 lao động.
Cùng với sự phát triển của KKT, KCN, ngành Công Thương đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp (CCN), ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp CBCT nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; phục vụ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị; phối hợp với các sở, ngành, địa phương đôn đốc, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho đơn vị triển khai đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu hút nhà đầu tư thứ cấp hoạt động theo tính chất góp phần hình thành cơ cấu không gian phát triển công nghiệp, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy lợi thế của mỗi địa phương trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mở rộng diện tích 11 CCN với 577,55ha, trong đó có 6 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với 375,39ha; 5 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) cho biết: Các CCN trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, khai thác và đi vào hoạt động mang lại giá trị tích trong công tác giải quyết việc làm, các vấn đề về môi trường đô thị. Tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, nhất là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ phía ngành Công Thương giúp doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư, hoàn thành dự án...
Những năm qua, tình hình hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc. Ngành Công Thương bám sát tình hình thị trường, chủ động tham mưu tỉnh ban hành chỉ thị, kế hoạch về đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường, an toàn thực phẩm; tổ chức các hội nghị thông tin cơ chế chính sách về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường tiêu thụ, các chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia để các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm bền vững và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, OCOP, đưa sản phẩm tới các kênh phân phối hiện đại trên toàn quốc, các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu…
Giai đoạn 2021-2023, các chỉ số công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, XNK do ngành Công Thương phụ trách có mức tăng ổn định theo từng năng. Cụ thể, so với năm trước thì chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 13,12%, chiếm tỷ trọng 45,4% trong GRDP; năm 2022 ước tăng 7,85%, chiếm tỷ trọng 45% trong GRDP và đóng góp 3,45 điểm % trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; năm 2023 tăng 11,3%, chiếm tỷ trọng 46,6% trong GRDP và đóng góp 4,86 điểm % trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021-2022 tăng bình quân đạt 10,72%/năm; năm 2023 tăng 14,2% cùng kỳ. Hoạt động XNK giai đoạn 2021- 2023 ước đạt trên 6.784 triệu USD, tăng bình quân 9,7%/năm.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành Công Thương Quảng Ninh tập trung làm tốt công tác dự báo, tham mưu, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành; thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, nhất là quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện VIII, quy hoạch hệ thống hạ tầng xăng dầu, khí đốt và các kế hoạch triển khai quy hoạch đã được thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư các CCN, ngành công nghiệp CBCT; phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, mở rộng mạng lưới mua sắm, đảm bảo cung cầu hàng hóa và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số trực tuyến, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử; mở rộng mô hình chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư...
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()