Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:50 (GMT +7)
Ngành Công Thương: Quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng
Thứ 2, 29/01/2024 | 15:20:05 [GMT +7] A A
Năm 2023, các chỉ số công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu do ngành Công Thương phụ trách đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đáng ghi nhận với mức tăng trưởng chung đều đạt 2 con số. Qua đó, đã đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngành Công Thương đã bám sát các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, chủ đề công tác năm của tỉnh để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trọng tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, công nghiệp là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 46,6% trong GRDP, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT).
Theo đó, ngành Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc rà soát, đánh giá việc phát triển các KCN, CCN; xây dựng đề án phát triển KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu, đề xuất các vấn đề quan trọng có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, điện, làm cơ sở để phát triển công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023. Đây chính là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh triển khai các bước tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là điện cho các ngành công nghiệp CBCT.
Theo đại diện Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (TP Cẩm Phả): Công ty bắt đầu đi vào hoạt động và có sản phẩm ổn định từ tháng 6/2023. Để đi vào hoạt động ổn định, công ty đã được Sở Công Thương cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn về điện. Để giúp ổn định sản xuất, công ty đã được thi công đường dây 22kV cấp điện cho nhà máy. Năm 2023, công ty ước đạt 3,1 triệu sản phẩm quần áo. Từ khi đi vào hoạt động, công ty đã nhận được sự quan tâm của tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương, điều này đã giúp cho doanh nghiệp đảm bảo được sản xuất, góp phần gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị xuất nhập khẩu, từ đó giúp phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh.
Tới nay, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP tăng từ 9,8% lên 11,7%; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,68%; tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp CBCT đạt xấp xỉ 105.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 2,347 tỷ USD; tổng số lao động ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh tăng trên 23.886 người.
Cùng với lĩnh vực Công nghiệp, trong năm qua, tình hình hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng có sự khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 174.330 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% cùng kỳ, trong đó ngành bán buôn, bán lẻ ước tăng 13,35%, chiếm tỷ trọng 9,7% trong GRDP, đóng góp 1,27 điểm % trong tốc độ tăng GRDP; kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt 3,142 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch, chỉ tiêu được giao.
Năm 2024, ngành Công Thương Quảng Ninh được UBND tỉnh giao các chỉ tiêu cụ thể như sau: Ở lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại gồm than sạch sản xuất đạt 44,33 triệu tấn; sản xuất điện đạt 38 tỷ kWh; lĩnh vực Công nghiệp CBCT như dầu thực vật đạt 300.000 tấn, bột mì đạt 500.000 tấn; tỷ lệ CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15,4%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,488 tỷ USD...
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 về “Nâng cao chất lượng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, Sở đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành về: Năng lượng, quy hoạch điện 8, hệ thống hạ tầng xăng dầu và khí đốt và các kế hoạch triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó, ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, đồng hành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành than, điện nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trước mắt, ngành sẽ rà soát nhu cầu sử dụng điện, chỉ đạo ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện, tăng cường khả năng cung cấp điện cho các KCN, CCN; tập trung thu hút đầu tư các CCN, các ngành công nghiệp CBCT, trong đó ưu tiên sớm xây dựng được Trung tâm chế biến hàng hóa nông sản - thủy sản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thu hút và phát triển các trung tâm logistics ở các KKT cửa khẩu, KKT ven biển. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, mở rộng mạng lưới mua sắm; đảm bảo cung cầu hàng hóa và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số trực tuyến, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử. Đồng thời, triển khai khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh vào các thị trường mới như: Thị trường các nước thành viên EU, CPTPP, RCEP và thị trường Á - Âu.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()