Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:02 (GMT +7)
Ngành GD-ĐT: Xây dựng Đề án khả thi, hiệu quả
Thứ 7, 10/05/2014 | 23:16:24 [GMT +7] A A
Đến Phòng GD-ĐT huyện Đầm Hà để tìm hiểu việc xây dựng, triển khai Đề án tinh giản bộ máy, biên chế, chúng tôi được đồng chí Giản Văn Thắng, Trưởng phòng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngành GD-ĐT huyện đã tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức của CBCCVC về mục đích, ý nghĩa công tác này. Cùng với đó, ngành cũng tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh đến đông đảo cán bộ, giáo viên, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình xây dựng Đề án của ngành. Để xây dựng được Đề án đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn, chúng tôi đã tập trung làm tốt việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, các trường học trực thuộc chủ động rà soát, đánh giá chất lượng từng vị trí công tác, cũng như các trang thiết bị hiện có trong các trường, điểm trường, để từ đó có hướng tinh giản hợp lý. Nhờ đó, đến nay Đề án của ngành đã cơ bản hoàn thành, đang chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến để thông qua.
Theo đánh giá của ngành GD-ĐT Đầm Hà thì đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên được quan tâm bổ sung, đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Hàng năm, việc tổ chức luân chuyển, bổ nhiệm, tuyển dụng được ngành thực hiện theo đúng cơ cấu cho từng cấp học, môn học. Phòng GD-ĐT huyện cũng đã bám sát tình hình thực tế và các văn bản hiện hành quy định về bộ máy, biên chế để thực hiện.
Cô và trò Trường Mầm non thị trấn Đầm Hà trong giờ học phát triển thể chất. |
Trên cơ sở kết quả rà soát, ngay từ năm học 2013-2014, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai việc tinh giản bộ máy, biên chế thông qua việc sáp nhập một số điểm trường, một số lớp học. Hiện nay, toàn huyện có 31 trường học với tổng biên chế tạm giao năm học 2013-2014 là 810 (không tính 11 biên chế của Phòng GD-ĐT), trong đó có 30 kế toán trường học, 58 giáo viên hợp đồng. Do chủ động thực hiện việc xoá bỏ 2 điểm trường mầm non với 6 lớp đơn, tiến hành ghép 4 lớp với 3 trình độ, vì thế năm học 2014-2015, toàn huyện sẽ giảm được 14 viên chức và 5 hợp đồng lao động trong khối giáo viên tiểu học.
Về cơ sở vật chất, theo đánh giá chung, hiện toàn ngành đã thực hiện phân tách các trường học trên địa bàn huyện, mỗi xã, thị trấn đã có đủ 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS). Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, đặc biệt là cấp THCS và mầm non đã được đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo điều kiện học tập của con em các dân tộc trên địa bàn huyện. Số trường được công nhận chuẩn quốc gia là 16/31, đạt 51,6%. Tuy nhiên, hiện còn một số trường và nhiều điểm trường chưa được đầu tư nâng cấp và bổ sung phòng học do nhu cầu học tăng, đặc biệt là cấp tiểu học hiện có 4 trường cần được đầu tư mới và bổ sung phòng học, nhà làm việc; 22 điểm trường có nhà bán kiên cố đã được đầu tư đưa vào sử dụng trên 20 năm đến nay đã xuống cấp nặng.
Ngành GD-ĐT huyện cũng xây dựng một số phương án nhằm đẩy mạnh tinh giản bộ máy, biên chế. Trước hết là đối với đội ngũ kế toán trường học, Phòng GD-ĐT huyện chủ trương rà soát, bố trí 1 đến 2 nhân viên kế toán trên cùng 1 địa bàn xã, thị trấn. Thực hiện phương án này thì sẽ giảm được 15 kế toán trường học. Đội ngũ nhân viên làm nhiệm vụ văn thư, y tế học đường, hành chính cũng được nghiên cứu sắp xếp theo chỉ đạo của ngành dọc cấp trên để đảm bảo tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo hướng bố trí nhân viên hành chính kiêm văn thư, tạp vụ... Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo sắp xếp lại một số điểm trường về điểm trung tâm, hoặc cụm điểm trung tâm khi được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phù hợp với cự li đi học theo điều lệ trường học của học sinh từng độ tuổi để giảm số giáo viên. Theo tính toán thì với các phương án này, đến năm học 2015-2016, sẽ giảm được 25 biên chế và đến năm học 2019-2020 sẽ giảm được 52 biên chế so với năm học 2014-2015.
Thanh Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()