Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:10 (GMT +7)
Duy trì ổn định, an toàn hoạt động vận tải
Thứ 2, 28/06/2021 | 07:02:57 [GMT +7] A A
Những tháng đầu năm 2021, tác động dịch Covid-19 khiến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tại Quảng Ninh, riêng hoạt động của ngành GT-VT phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế trong phòng, chống dịch; các dự án giao thông triển khai chậm do nguồn lao động bị thiếu hụt; hoạt động vận tải hành khách phải giãn, hoãn theo từng giai đoạn… Mặc dù vậy, ngành vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, là cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ cả năm.
Ưu tiên lập quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông động lực
Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, Sở GT-VT Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh để rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp, thống nhất, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên.
Trong đó đã bám sát nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở Luật Quy hoạch 2019, Sở rà soát, đánh giá hiện trạng, tổng hợp các báo cáo, làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ GT-VT để đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh phương hướng phát triển mới của GT-VT Quảng Ninh.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Định hướng phát triển giao thông của tỉnh giai đoạn tới là tiếp tục tạo đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong giao thương với các nước Đông Bắc Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và điểm kết nối của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối, như: Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái; kêu gọi đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng, bổ sung xây dựng mới một số tuyến có tính kết nối, nhu cầu vận tải cao. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới mạng lưới đường đô thị theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển kết nối các vùng đô thị để phân bổ lưu lượng giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc.
Tại khu vực lợi thế đường biển, xây dựng các bến cảng ở Cái Lân (TP Hạ Long), hòn Con Ong (TP Cẩm Phả), Vạn Ninh (TP Móng Cái); xây dựng các khu cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Yên; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn. Về hàng không, xây dựng thêm sân bay chuyên dụng.
Song song với tập trung cho công tác quy hoạch, với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực GT-VT, Sở đã giải quyết kịp thời thủ tục về thẩm định thiết kế, quản lý chất lượng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2021, Sở đã hoàn thành thẩm định 14/14 dự án theo kế hoạch của chủ đầu tư và của tỉnh; trong đó thời gian thực hiện đã rút ngắn khoảng 70% so với quy định (có dự án chỉ thẩm định 5-7 ngày/quy định từ 20-30 ngày), tạo điều kiện để 5 dự án giao thông trọng điểm khởi công dịp đầu năm.
Đối với công tác quản lý đầu tư, Sở lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; Đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong; Đường dẫn lên cầu Bến Rừng. Bên cạnh đó, tiếp tục lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến xã Đồng Lâm (TP Hạ Long). Khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn…
Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, Sở chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các thủ tục đối với: Dự án cảng Vạn Ninh - Móng Cái, đã lập đồng thời Quy hoạch chi tiết 1/500, Quy hoạch phân khu 1/2.000 để thẩm định và phê duyệt theo quy định; Dự án bến cảng Ao Tiên - Vân Đồn, đã phối hợp với nhà đầu tư làm việc với Cục Quản lý chất lượng xây dựng (Bộ GT-VT) để thẩm định thiết kế cơ sở dự án...
Linh hoạt trong điều hành hoạt động vận tải
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong nước, tuy nhiên tại Quảng Ninh, nơi hoạt động du lịch nhộn nhịp và vận tải sôi động bậc nhất miền Bắc, đến nay vẫn là địa bàn an toàn. Có được điều này, bên cạnh các giải pháp điều hành linh hoạt của tỉnh, tinh thần chủ động người dân được nâng cao, Sở GT-VT đã có đóng góp rất đáng kể trong việc điều phối, hỗ trợ hoạt động vận tải.
Để hoàn thành "mục tiêu kép" vừa duy trì ổn định hoạt động vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, Sở GT-VT đã có những chế tài, quy định riêng cho từng thời điểm, bám sát với diễn biến của dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay Sở đã ban hành 70 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, đơn vị thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19; đề xuất, triển khai các phương án tổ chức hoạt động vận tải, đào tạo sát hạch theo từng trạng thái thực tế.
Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội…, Sở đã kịp thời có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải liên tỉnh, đường thủy; hoạt động kinh doanh ăn uống, tập trung tại các bến xe, cảng tàu; vận hành chốt kiểm soát ở các vị trí cửa ngõ vào tỉnh; từng bước nới lỏng các quy định khi tình hình dịch bệnh ổn định, tạo điều kiện để vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Sở kịp thời thông tin về hoạt động vận tải để người dân chủ động trong đi lại; yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm Sổ tay “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng” áp dụng trên các phương tiện. Bên cạnh đó, thống nhất, ban hành cụ thể từng phần việc, quy trình, trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải, như: Tuyên truyền hành khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch; trước khi đón khách, chủ phương tiện phải thực hiện vệ sinh các vị trí có tiếp xúc với khách bằng nước sát khuẩn; bố trí khay chứa dung dịch khử khuẩn thấm đế giày, dép trước khi bước lên xe; yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch (sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trong suốt hành trình, khai báo y tế điện tử...).
Thực hiện phun khử trùng toàn bộ bến xe hằng ngày; bố trí các chai dung dịch sát khuẩn tại sảnh, khu vực ghế chờ; tuyên truyền, thông báo diễn biến tình trạng dịch bệnh bằng phát loa, tờ rơi, băng rôn...; phát tờ khai y tế cho hành khách, bố trí khách mua vé, lên phương tiện đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m; đảm bảo nghiêm túc quy định mỗi phương tiện chỉ chở không quá 50% tải trọng (theo số ghế hành khách), bố trí ngồi so le giữa các hàng ghế. Toàn bộ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên làm việc tại các bến có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới bố trí làm việc.
Sở nắm bắt tình hình kinh doanh vận tải hành khách, tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến, đề xuất, nguyện vọng từ các doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ, như: Tạm dừng không tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra khi chưa có dấu hiệu vi phạm; tăng cường xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”; cấp phép nối tour, tuyến trên vịnh; đẩy mạnh hoạt động vận tải hợp đồng điện tử; hướng dẫn thủ tục giảm hoặc miễn các loại thuế, phí cầu đường...
Sở GT-VT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các bến tiêu thụ than để giải quyết than tồn; tăng số ngày vận chuyển trong tháng trên cơ sở phương án vận chuyển than phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, khả năng vận tải, tổ chức điều hành vận chuyển hợp lý theo đề nghị của TKV; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thống nhất đầu tư 2 bến thủy nội địa tạm thời phục vụ xây dựng KCN Việt Hưng và KCN Bắc Tiền Phong... Cùng với đó, Sở tổng hợp các đề nghị về giãn thời hạn nộp thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất tiền vay, điều chỉnh cơ cấu tiền vay… báo cáo với UBND tỉnh và các ngành tìm phương án tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp, 6 tháng đầu năm, dù vận tải hành khách trong tỉnh giảm, song sản lượng vận tải hàng hóa tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, góp phần quan trọng vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép”
Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm Sở GT-VT xác định, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Toàn ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác khai báo y tế, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”...
Cùng với đó, duy trì thực hiện tốt nhiệm vụ tại các chốt liên ngành kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh bằng đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải. Đề xuất, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để đảm bảo tăng trưởng trong năm 2021 theo kế hoạch, Sở đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, với mục tiêu đầu tư - xây dựng là động lực chính cho tăng trưởng. Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung nghiên cứu và hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư đối với một số dự án giao thông trọng điểm mới, như cầu Cửa Lục 2, đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến xã Đồng Lâm (TP Hạ Long); phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư triển khai các dự án sau khi được phê duyệt: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong; đường dẫn lên cầu Bến Rừng... Đồng thời, tiếp tục rút ngắn thời gian, thực hiện nhanh chóng, kịp thời công tác thẩm định và quản lý chất lượng các công trình giao thông.
Song song với đó, Sở tìm giải pháp để tham mưu cho tỉnh huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án: Nạo vét luồng sông Chanh, cảng Ao Tiên, cảng Vạn Ninh, Nhà máy điện khí tại TP Cẩm Phả, cảng hàng lỏng tại TX Quảng Yên; kêu gọi đầu tư xây dựng bến số 8, số 9 cảng Cái Lân, cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Hải Hà.
Đối với các lĩnh vực quản lý thường xuyên, Sở sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành hoạt động vận tải để đạt các chỉ tiêu về vận tải và doanh thu vận tải bốc xếp; nâng cao năng lực bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường tỉnh... Những giải pháp này sẽ góp phần tạo nền tảng cho các lĩnh vực kinh tế khác cùng ổn định, sản xuất phát triển, tăng trưởng theo kế hoạch, ngành GT-VT hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2021.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()