Tất cả chuyên mục

Biên cương mùa nào cũng khắc nghiệt với gió ngược, nắng gắt, sương giăng. Ở nơi ấy, có những người lính không bước theo đội hình tuần tra mỗi sáng, không băng rừng, vượt sóng như những đồng đội tuyến đầu. Nhưng họ luôn là người dậy sớm hơn tất cả, nhóm bếp đầu tiên, lau từng khẩu súng. Nhờ có họ, bữa cơm bộ đội luôn nóng hổi, tàu tuần tra không chậm nhịp ra khơi. Họ là những người lính hậu cần - kỹ thuật của lực lượng BĐBP Quảng Ninh. Trong hành trình học và làm theo lời Bác dạy, họ chọn cách sống, làm việc giản dị, tiết kiệm, tận tụy và gắn bó như lời Người từng căn dặn: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Nếu kể về “một góc đời lính”, có lẽ bếp ăn là nơi chân thật nhất. Bởi những bữa cơm trong quân đội không chỉ là chuyện ăn no, mà còn là câu chuyện về tình đồng đội, là hơi ấm len vào từng buổi sớm se lạnh trên đỉnh đồi, từng chiều gió lộng ở trạm gác ven biển. Ở đó, có những người lính “anh nuôi” luôn dậy trước tiếng kẻng, nhóm lửa từ lúc trời còn tối, khéo léo chế biến từng món ăn khi đồng đội còn đang ngon giấc.
Thiếu úy Mai Quốc Quân, nhân viên quản lý bếp ăn của Tiểu đoàn huấn luyện, BĐBP tỉnh, nhớ lại quãng thời gian 2 năm làm "anh nuôi" bộ đội, trải lòng: Không phải ai cũng được chọn để làm công việc này, chúng tôi phải đảm bảo có đủ những tiêu chuẩn như trung thực, chịu khó, có tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo. Công việc của những "anh nuôi" cũng rất vất vả với hàng trăm suất ăn mỗi ngày, nhưng chúng tôi luôn đảm bảo đủ định lượng, định mức bữa ăn để bộ đội được ăn no, ăn ngon và ăn hết suất.
Làn khói bếp của những "anh nuôi" bộ đội không chỉ ấm thêm gian bếp nhỏ, mà còn sưởi lòng những tân binh vừa rời xa mái nhà. "Lúc mới nhập ngũ, tôi nghĩ ăn uống trong quân đội chắc kham khổ lắm. Nhưng ngay từ bữa cơm đầu tiên, tôi đã thấy như đang ăn cơm nhà, cơm nóng, canh ngọt, món ăn được thay đổi liên tục. Tôi thấy ấm lòng thật sự và yên tâm rèn luyện" - binh nhì Nguyễn Tiến Hùng (quê Bắc Giang) tâm sự.
Tận dụng quỹ đất quanh đơn vị, các đồn biên phòng đều tổ chức tăng gia sản xuất, vừa để cải thiện đời sống, vừa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 5 năm qua, các đơn vị đã tự khai thác được trên 1.500 tấn lương thực; tăng gia sản xuất tự túc được 95-100% định lượng rau xanh và trên 65% định lượng thực phẩm chính. Từ thành quả thu hoạch hằng năm, các đơn vị đã đưa vào bữa ăn thêm cho bộ đội 3.000-5.000 đồng/người/ngày, như một lời động viên từ chính tay đồng đội mình.
Không chỉ là bữa cơm, mà cả giấc ngủ, tấm chăn, chiếc áo ấm, tủ thuốc trực đêm cho bộ đội… đều có bàn tay người lính hậu cần. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây, các đơn vị biên phòng vùng sâu, vùng xa đã được củng cố nơi ăn, chốn ở khang trang hơn. Những mái nhà tập thể sáng - xanh hơn, từng bộ quân phục luôn phẳng phiu, được cấp phát đúng thời hạn. Ở nơi không phải lúc nào cũng có đầy đủ tiện nghi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự chăm lo chu đáo ấy là ngọn lửa ấm giúp mỗi CBCS thêm chắc tay súng bảo vệ biên cương.
Nếu hậu cần lo từng bữa ăn, giấc ngủ, thì kỹ thuật chính là người giữ cho những “đôi chân thép” của BĐBP luôn sẵn sàng. Ở đây, việc học và làm theo Bác được cụ thể hóa bằng từng thao tác bảo quản, từng lần kiểm tra định kỳ, từng bản ghi chép tỉ mỉ, thầm lặng mà bền bỉ như chính nhịp sống nơi tuyến đầu.
100% đơn vị tổ chức bảo đảm kỹ thuật một cách cơ bản vững chắc, bảo đảm hệ số kỹ thuật, đồng bộ vũ khí thiết bị khí tài, đặc biệt là đồng bộ vũ khí thiết bị khí tài thế hệ mới, có hàm lượng công nghệ cao, tính tích hợp lớn và đồng bộ vũ khí với đạn dược. Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, biện pháp để duy trì chất lượng, tuổi thọ kỹ thuật và khai thác triệt để tính năng kỹ - chiến thuật của trang bị, đặc biệt là các loại trang bị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chia sẻ về định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Trung tá Phạm Thế Anh, Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật, BĐBP tỉnh, cho biết: Chúng tôi tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo và Tiêu chuẩn 4 trong Chỉ thị 79/CT-BQP ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Lương thực, vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy phải quý trọng, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”; ngành hậu cần BĐBP tỉnh cũng sẽ thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác hậu cần, tài chính; đẩy mạnh công tác huấn luyện bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu gắn với nhiệm vụ thực tiễn tại đơn vị, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCS, nhân viên làm công tác hậu cần, tài chính.
Ở nơi biên cương gió lộng, mỗi dấu chân người lính in trên đất là một nét vẽ chủ quyền đất nước, ngày qua ngày, những người lính hậu cần - kỹ thuật BĐBP Quảng Ninh vẫn lặng thầm với sứ mệnh của mình, để mỗi bữa cơm bộ đội thêm nóng hổi, để những con tàu không chậm nhịp ra khơi...
Ý kiến (0)