Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 16:55 (GMT +7)
Ngành Ngân hàng: Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh
Thứ 2, 27/09/2021 | 07:02:23 [GMT +7] A A
Để góp phần hỗ trợ, đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã, đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tính đến 31/8/2021, dư nợ tín dụng tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 137.276 tỷ đồng, tăng 1,2% so với 31/12/2020, dự kiến đến 30/9/2021 đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2020 và tăng 0,7% so với 30/6/2021. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 62.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,2%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 75.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,8%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Ninh, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho khả năng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong gần 2 năm qua tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đảm bảo tốt tính thanh khoản, cũng như sẵn sàng “bơm” vốn cho nền kinh tế khi cần thiết. Đặc biệt, trong 2 quý cuối năm 2021, do Quảng Ninh đang là địa bàn an toàn, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nên nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng.
Hiện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang áp dụng lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-8%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung, dài hạn. Cùng với đó là nhiều gói vay rất ưu đãi cho khách hàng là doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan cho biết: Trong tháng 8/2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Quảng Ninh những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kế hoạch của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khắc phục những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh. Qua đó, nhằm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Thống kê đến 31/8/2021 trên địa bàn tỉnh có 12.833 khách hàng được các ngân hàng hỗ trợ, cho vay mới với dư nợ 94.774 tỷ đồng. Trong đó, 1.635 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ 5.181 tỷ đồng; có 11.198 khách hàng được vay mới với tổng doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 89.593 tỷ đồng. Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian qua đã tích cực triển khai chính sách cho vay trả lương đối với người sử dụng lao động. Tính đến ngày 10/9/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 26 doanh nghiệp vay số tiền 3,91 tỷ đồng trả lương ngừng việc cho 1.028 người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Song song với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các thông tư của NHNN Việt Nam, từ ngày 15/7/2021 nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến 31/8/2021 trên địa bàn có 28.247 khách hàng được giảm lãi suất với tổng dư nợ 31.715 tỷ đồng, số tiền lãi lũy kế giảm từ 15/7/2021 là 64,65 tỷ đồng; số phí được giảm 0,13 tỷ đồng.
Được biết, để hỗ trợ cho khách hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay và các loại phí dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính,... Qua đó, tiếp tục đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn phát triển, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()