Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 10:39 (GMT +7)
Ngành than bắt nhịp cùng cách mạng 4.0
Thứ 6, 17/02/2023 | 18:13:45 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngành than và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Nắm bắt xu thế này, TKV đã chủ động phát triển hạ tầng công nghệ sẵn có, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm từng bước thay đổi quy trình công nghệ, cách thức quản trị doanh nghiệp theo hướng số hóa tối đa các công đoạn sản xuất kinh doanh.
Trước khi khái niệm chuyển đổi số ra đời, nhiều doanh nghiệp ngành than đã chủ động bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ mới, tích cực nghiên cứu và ứng dụng phần mềm tin học vào sản xuất.
Năm 2020, Công ty Than Uông Bí đã viết nhật lệnh sản xuất trên môi trường phần mềm, thay vì viết tay như trước. Nếu theo quy trình cũ, thời gian viết nhật lệnh trong một buổi giao ca ở các phân xưởng từ 60-120 phút, thì với phần mềm công nghệ thông tin chỉ còn 10 phút.
Trong quy trình giao ca, nhật lệnh sản xuất cũ, phó quản đốc phân xưởng phải điểm danh người lao động bằng cách gọi tên, sau đó mới đó mới giao việc cho công nhân và phổ biến biện pháp kỹ thuật an toàn. Với những phân xưởng đông người, khâu này mất rất nhiều thời gian mà không đảm bảo tính chính xác và minh bạch tuyệt đối. Từ tháng 6/2021, Than Uông Bí đưa ứng dụng tích hợp vân tay vào sử dụng, công nhân khi đến nhà giao ca tự điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt và ký lệnh sản xuất bằng vân tay.
"Hiện nay 100% phân xưởng trong công ty đã được lắp đặt thiết bị nhận diện khuôn mặt và vân tay, với tổng số 88 máy. Thời gian nhận diện khuôn mặt và vân tay chỉ từ 1-2 giây, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối" - Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Trong thời đại chuyển đổi số, cải tiến phương pháp điều hành, quản lý vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp đa lợi ích cho doanh nghiệp. Sớm nhận định xu thế này, TKV và các doanh nghiệp ngành than đã xây dựng và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin vào khâu quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Những năm qua, các đơn vị thành viên TKV đang ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm công nghệ và từng bước số hóa một số khâu của quy trình sản xuất. Tiêu biểu như: Hệ thống giám sát lưu chuyển dòng than (cung cấp các thông tin về khối lượng và chất lượng than tại bất kỳ điểm nào trong quy trình sản xuất, tiêu thụ tại các đơn vị một cách đầy đủ, trực quan và có thể phân tích được); hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất TKV (tích hợp và kết nối dữ liệu từ các đơn vị vào ngân hàng dữ liệu địa chất, đảm bảo tính liên tục của dữ liệu từ nguyên thủy đến khai thác sử dụng, truy vấn tài nguyên); hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (chuẩn hoá lại quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số và tiến tới liên thông văn bản toàn Tập đoàn các công ty con, đơn vị trực thuộc)...
Việc chuyển đổi số tại TKV và các đơn vị thành viên hiện đang thực hiện theo lộ trình: Nâng cao nhận thức, tăng cường truyền thông; xây dựng chiến lược, kế hoạch và lộ trình thực hiện; tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính; hoàn thiện hạ tầng số hóa, chuẩn bị dữ liệu và quy trình nghiệp vụ.
TKV đã hoàn thành quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin toàn Tập đoàn; kết nối hệ thống mạng diện rộng của cơ quan Tập đoàn với các mạng diện rộng của các đơn vị thành viên. Toàn bộ các đơn vị trong TKV trang bị hạ tầng mạng, máy chủ phù hợp với ứng dụng trong điều hành sản xuất. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đều trang bị những thiết bị an toàn thông tin cơ bản như tường lửa, phần mềm diệt virus để bảo vệ hệ thống và người dùng. Một số đơn vị đã xây dựng cấp độ an toàn thông tin cho những hệ thống công nghệ thông tin quan trọng. Hằng năm, TKV tổ chức đào tạo nhận thức an toàn thông tin cho lãnh đạo các đơn vị và các vị trí vận hành công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn.
"Giai đoạn 2021-2022, TKV đã ứng dụng hệ thống hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý khoa học, hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống kế toán với hóa đơn điện tử và phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị trong Tập đoàn ứng dụng công nghệ thông minh hóa trong sản xuất, nâng cao quản lý điều hành và tiết kiệm thời gian xử lý đầu mối công việc" - ông Đỗ Hồng Nguyên, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ - Chiến lược TKV cho biết.
Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025. Khi đó, hầu hết các hoạt động của Tập đoàn sẽ được triển khai trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây cũng là chủ trương lớn mà TKV quyết tâm thực hiện thành công, tiến tới mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp thông minh, không giấy tờ trong tương lai.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()