Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:07 (GMT +7)
Ngành Than nỗ lực vượt khó
Thứ 6, 23/07/2021 | 09:25:46 [GMT +7] A A
Ngay từ đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó lường; cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao đã đặt ra nhiều thách thức cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả”. Bằng nhiều giải pháp, ngành Than đã nỗ lực vượt khó, giữ được nhịp độ sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và thu nhập cho người lao động.
Đối mặt với khó khăn, các đơn vị ngành Than càng chứng tỏ được tư duy nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo trong quản lý, điều hành sản xuất. Nhiều mỏ, trong đó có Công ty CP Than Đèo Nai đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hầu hết các khâu sản xuất. Đây là cách làm hiệu quả, vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì nhịp độ sản xuất theo yêu cầu của TKV.
Từ tháng 2/2021 đến nay, Than Đèo Nai đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng 2 phần mềm công nghệ thông tin, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác điều hành sản xuất và quản trị thiết bị, quản trị chi phí. Đó là phần mềm ghi biểu, thống kê chuyến trực tuyến trên Google sheets và phần mềm lập phiếu than đất điện tử.
“Hai phần mềm này đã đổi mới toàn bộ quy trình cũ của công tác ghi biểu, thống kê chuyến và công tác tạo lập phiếu than, đất cho các phương tiện, máy xúc, ô tô hoạt động trong các ca sản xuất. Than Đèo Nai tính toán, việc đưa hai sáng kiến công nghệ này vào sử dụng sẽ mang lại giá trị làm lợi trên 3 tỷ đồng mỗi năm” - ông Thiệu Đình Giảng, Trưởng phòng Cơ điện Vận tải Công ty khẳng định.
Nhờ đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, 6 tháng đầu năm 2021, Than Đèo Nai đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra, bình quân từ 55-74% kế hoạch năm.
Còn với mỏ hầm lò Nam Mẫu, cũng ngay từ đầu năm 2021, Than Nam Mẫu đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng máy xúc lò chợ mini ML 01-0,09, mở ra một hướng cơ giới hóa mới cho công tác bốc xúc vận tải than tại các đơn vị khai thác.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Tới đây, Than Nam Mẫu sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đưa vào sử dụng các thiết bị khoan, xúc bốc có kích thước nhỏ gọn, dễ vận chuyển, phù hợp cho các đường lò có tiết diện khác nhau”.
Góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sản xuất thông suốt của các đơn vị ngành Than là sự nỗ lực của các đơn vị cơ khí TKV. Trong 6 tháng đầu năm, ngành cơ khí của Tập đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giá các loại phụ tùng, vật tư tăng cao từ 20-30%, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với mục tiêu không để sản xuất than bị gián đoạn, các đơn vị khối cơ khí TKV, trong đó có Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin đã phát huy năng lực công nghệ, ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa trung đại tu thiết bị cho các đơn vị.
6 tháng đầu năm, đơn vị này đã chế tạo được trên 236 tấn thiết bị cho ngành Than. Riêng cột chống thủy lực các loại phục vụ sản xuất than hầm lò đạt số lượng trên 4.000 cột, bằng 69% kế hoạch năm. Đặc biệt, công tác sản xuất thép lò và chế tạo vì chống lò đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, chế tạo vì lò đạt trên 17,4 tấn, cán thép vì lò đạt trên 42.600 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể thấy, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm của TKV là minh chứng cho sự linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong điều hành của TKV, từ bộ máy lãnh đạo Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; là sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần vượt khó, kỷ luật đồng tâm của CBCN và người lao động. Tập đoàn đã thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt bình quân 52-54% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt xấp xỉ 21 triệu tấn, bằng 53% kế hoạch năm; bốc xúc gần 89 triệu tấn, đào mới trên 120.000m lò. Sản lượng than tiêu thụ đạt trên 22,7 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch. Riêng sản lượng than xuất khẩu đạt 813.000 tấn, bằng 211% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 66.000 tỷ đồng, bằng 53,3% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 8.500 tỷ đồng. Người lao động của TKV, nhất là đội ngũ công nhân ngành Than được chăm lo chu đáo về việc làm và thu nhập. Tiền lương bình quân công nhân khối sản xuất than đạt 14 triệu đồng/người/tháng.
Quý III, TKV phấn đấu sản xuất 8,3 triệu tấn than nguyên khai, bóc xúc trên 35 triệu m3 đất đá, đào 70.000m lò, tiêu thụ 9,1 triệu tấn than. Để hoàn thành các chỉ tiêu này, TKV đề ra 9 nhóm giải pháp, trọng tâm vẫn là phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất và duy trì sản xuất ổn định. Các đơn vị cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc qua mạng; kích hoạt các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()