Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:34 (GMT +7)
Ngày hội lớn ở các khu dân cư
Chủ nhật, 19/11/2023 | 08:46:21 [GMT +7] A A
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Từ định hướng của Trung ương MTTQ Việt Nam và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hằng năm, đã trở thành nét đẹp văn hóa đời sống mới ở Quảng Ninh.
Ngày hội của toàn dân
Từ năm 2003 đến nay, qua 20 lần tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã diễn ra với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cả phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, nghi thức tôn giáo của từng địa phương trong tỉnh. Từ những ngày đầu còn nhiều hạn chế trong khâu tổ chức và điều kiện kinh tế - xã hội, đến nay ngày hội đã trở thành nền nếp được quan tâm tổ chức chu đáo.
Hằng năm, kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đều được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành, chuyển đến các địa phương, hướng dẫn cụ thể từ sớm để các cấp chủ động triển khai. Từ đó đảm bảo được sự quan tâm sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ của chính quyền, giúp ngày hội diễn ra an toàn, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu chung nhất cho các hoạt động là phải phù hợp với tình hình thực tế của từng khu dân cư, bảo đảm trang trọng, thiết thực mà tránh lãng phí, phô trương hình thức.
Năm 2023, tất cả các khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào ngày 12/11, nội dung cơ bản của ngày hội gồm các hoạt động: Ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, phát động; bình xét, khen thưởng các cá nhân, gia đình tiêu biểu; ký kết giao ước thi đua trong năm tiếp theo; giao lưu văn nghệ, thể thao quần chúng; tổ chức bữa cơm đại đoàn kết...
Đây cũng là dịp để các đồng chí là đại biểu Trung ương, lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến chung vui với các khu dân cư, thăm hỏi và động viên phong trào tại cơ sở. Qua đó, những tâm tư, tình cảm của nhân dân được lắng nghe, giải đáp chân tình, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền hướng mạnh hơn nữa về cơ sở, phục vụ tốt hơn những nhu cầu hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiều khu dân cư đã chủ động lồng ghép việc sinh hoạt, thảo luận sôi nổi về xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa; chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng vốn, giống cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Hoặc phát động đóng góp quỹ chung để dựng nhà "Đại đoàn kết”, thăm hỏi, trao quà tận tay những hoàn cảnh khó khăn; cùng ra quân tổ chức các hoạt động chỉnh trang diện mạo đường ngõ xóm; thăm hỏi gia đình chính sách...
Cùng với việc xây dựng nếp sống mới, ngày hội còn là dịp đấu tranh đẩy lùi những hủ tục mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội; tháo gỡ những vấn đề nảy sinh tại nội bộ khu dân cư.
Dấu ấn công tác Mặt trận
Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng kết được nhiều kết quả nổi bật sau 1 năm tích cực hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Trong đó, phải kể đến việc Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đăng ký với Tỉnh ủy, chủ trì triển khai các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Bao gồm, triển khai xây dựng, biểu dương 60 mô hình, phần việc tiêu biểu về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, tham gia 3 cuộc thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”...
Đặc biệt, Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 được tổ chức từ cấp xã đến cấp tỉnh, đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều khu dân cư đã tích cực tập luyện, tổ chức được những chương trình công phu, cùng với sự ủng hộ kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để liên hoan diễn ra sôi nổi. Theo thống kê, vòng thi cấp xã thu hút gần 60.000 lượt diễn viên quần chúng từ 5 tuổi đến 84 tuổi tham gia; vòng thi cấp huyện có trên 8.000 lượt diễn viên; vòng thi cấp tỉnh là 833 lượt diễn viên.
Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, công tác xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã được toàn tỉnh triển khai thực hiện rất thành công. Kết quả, kế hoạch xóa nhà tạm, nhà ở dột nát được hoàn thành 100% số lượng và tiến độ, với tổng số 260 nhà xây mới, 181 nhà sửa chữa trong toàn tỉnh. Việc quản lý quỹ, giải ngân được tiến hành chặt chẽ, giám sát công khai, minh bạch, với mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/hộ xây mới, 40 triệu đồng/hộ sửa chữa.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh năm 2023 được triển khai rõ nét, với các nội dung chọn lọc trọng tâm, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và mối quan tâm của nhân dân. Cụ thể như: Giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV; giám sát tiến độ triển khai các dự án, công trình gắn biển chào mừng 60 năm thành lập tỉnh; giám sát xây dựng 50.000 suất tái định cư giai đoạn 2021-2030; phản biện xã hội đối với dự thảo về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh; phản biện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững...
Từ ngày 25 đến ngày 30/11/2023, tại tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra hoạt động Giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh, khu tự trị của Trung Quốc có chung đường biên giới với Việt Nam lần thứ 2.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh với Chính hiệp 2 tỉnh, khu tự trị có chung đường biên giới sau hoạt động Giao lưu hữu nghị lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào tháng 4/2019. Đồng thời, góp phần chia sẻ kinh nghiệm công tác vận động nhân dân và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; tăng cường tuyên truyền về truyền thống đoàn kết láng giềng giữa hai nước.
|
Ông Nông Quốc Vững, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam Hả Trong (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ): Động lực thôi thúc các gia đình, dòng họ học tập, lao động sản xuất Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là hoạt động được tổ chức hằng năm. Tại ngày hội, nhân dân trong thôn, xã được ôn lại truyền thống của địa phương, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian. Từ đó, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, thống nhất giữa bà con nhân dân, gìn giữ truyền thống dân tộc, cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương. Đây cũng là hoạt động tạo động lực thôi thúc các gia đình, dòng họ trên địa bàn động viên con cháu hăng say học tập, lao động sản xuất; chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chú trọng đến việc bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào trên địa bàn. |
Bà Bành Thị Hiệp (khu Phú Thanh Đông, phường Yên Thanh, TP Uông Bí): Hoạt động chuẩn bị cho ngày hội đã tạo khí thế để nhân dân cùng nhau thi đua Để chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều ngày trước đó, khu phố lúc nào cũng rộn ràng, náo nhiệt, phấn khởi. Người quét sân, người sơn sửa nhà văn hóa, có người chăm chỉ tập luyện các tiết mục văn nghệ... đảm bảo cho ngày hội diễn ra thành công. Do đó, không chỉ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các hoạt động kể trên cũng góp phần tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân. Chính từ đây đã tạo nên khí thế để nhân dân hăng hái phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương, tiếp tục thi đua, xây dựng thành phố và tỉnh ngày càng giàu đẹp. |
Bà Nịnh Thị Chắn (thôn Ngàn Vàng Giữa, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu): Ngày hội có ý nghĩa rất lớn với đồng bào các dân tộc Nhờ sự quan tâm của tỉnh và địa phương, thời gian qua đời sống đồng bào DTTS được chăm lo toàn diện. Nhờ đó, các nét đẹp văn hóa về tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, hằng năm tỉnh và địa phương còn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc. Đây thực sự là ngày hội có ý nghĩa rất lớn với đồng bào DTTS nói riêng và nhân dân nói chung. Ngày hội không chỉ nhằm giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc, mà còn tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân trong thôn qua các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, trong dịp ngày hội, chúng tôi thường xuyên tổ chức liên hoan với sự quây quần ấm cúng của nhân dân trong thôn. |
Bà Ninh Thị Minh (khu 8, phường Hồng Hải, TP Hạ Long): Tiếp tục đoàn kết xây dựng khu phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại Toàn khu phố 8 có 590 hộ dân, được chia làm 9 tổ dân cư; dân số trên địa bàn phường có khoảng 2.200 người. Thời gian qua, nhân dân trong khu phố đã đoàn kết cùng nhau thực hiện tốt các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người dân khu phố được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khu phố đạt tiêu chuẩn khu phố văn hóa. Phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân trong khu phố sẽ ra sức phấn đấu xây dựng khu phố kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()