Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:00 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV - Thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Thứ 3, 24/05/2022 | 20:05:53 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe các báo cáo quan trọng về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Trong phiên làm việc sáng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo đánh giá việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, qua thảo luận, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đánh giá tình hình thực hiện chương trình năm 2021 và các tháng đầu năm 2022; đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tiến độ chuẩn bị, trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, chấp hành nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện thành công Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sau khi điều chỉnh và Chương trình năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ nhất trí với chủ trương về việc thông qua chính sách về nghị quyết chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời khẳng định, cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo đông lực quan trọng thúc đẩy kinh tế biển phát triển, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã nghèo, xã khó khăn để đến năm 2030 Khánh Hòa thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong chính sách quản lý môi trường tại Khu kinh tế Vân Phong, đại biểu đề nghị xem xét nội dung giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu từ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa theo quy định của pháp luật. Nội dung này cần đánh giá, báo cáo làm rõ năng lực, kinh nghiệm của Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong có đáp ứng được yêu cầu này hay để Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ trên.
Đối với việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, đại biểu đề nghị Chính phủ phải có hướng dẫn cụ thể, có phương án khảo sát, kiểm đếm, có quy trình cụ thể rõ ràng để người dân biết, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, chính sách đặc thù của tỉnh Khánh Hòa, là căn cứ cơ sở quan trọng về ban hành chính sách đặc thù vì Khánh Hòa là địa bàn có tiềm năng lớn, vị trí quốc phòng an ninh quan trọng, khu vực phát triển của khu vực miền Trung. Đại biểu đề nghị, Nghị quyết cần quy định chặt chẽ, bảo vệ môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường Vịnh Vân Phong.
Đối với nội dung tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đai biểu nhất trí việc ban hành Nghị quyết, tuy nhiên cũng đề nghị Chính phủ phải có phương án thực hiện cam kết trong đảm bảo tiến độ triển khai theo quy định.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()