Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:46 (GMT +7)
Ngày xưa leo núi Bài Thơ
Chủ nhật, 07/07/2019 | 00:50:26 [GMT +7] A A
Nghe nói có một kiến trúc sư người nước ngoài đã đề xuất phương án xây dựng cầu thang máy lên đỉnh núi Bài Thơ để thu hút khách du lịch. Ý tưởng này đã được đưa ra thăm dò trên mạng internet. Cũng có người đồng tình, cho rằng đây là cách làm du lịch sáng tạo, táo bạo; nhưng cũng không ít người cảm thấy băn khoăn, lo rằng điều đó sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường…
Vịnh Hạ Long nhìn từ đỉnh núi Bài Thơ. Ảnh: Phạm Vũ Trường/NLĐ |
Nghe mọi người bàn luận rôm rả, lại nhớ cái lần cùng hai ông bạn, nhà báo Trần Giang Nam và nhà điêu khắc Mai Ngọc Trọng, leo lên núi Bài Thơ, cách đây chắc dễ gần ba mươi năm rồi. Hồi ấy, núi Bài Thơ còn khá hoang vu. Để lên núi, thường người dân bản địa đi theo hai cách, hoặc lên từ phía trong phố, theo con đường vốn trước đây thời chiến tranh, người ta mở để đặt trạm phát sóng Đài phát thanh trong một cái hang ở lưng chừng núi; hoặc lên từ phía biển ở khu vực Bến Đoan. Đi theo hướng thứ nhất sẽ nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn, nhưng chúng tôi lại chọn theo hướng thứ hai cho nó…”mạo hiểm” hơn. Mà đúng là đi theo lối này khó khăn thật. Nhiều đoạn phải bíu những mỏm đá tai mèo chông chênh để đu người lên... Vốn là dân đồng bằng, chưa bao giờ leo núi nên thú thực là tôi cũng hơi run. Rồi cuối cùng cũng tới đích. Cảm giác thật sảng khoái, bởi đây là lần đầu tiên được ngắm nhìn toàn cảnh Hạ Long từ trên cao. Và cái cảm giác ấy càng ngọt ngào hơn khi để lên được đỉnh núi, phải trầy trật, thậm chí là có đôi chút mạo hiểm nữa…
Chuyến leo núi Bài Thơ ấy với chúng tôi còn đặc biệt ấn tượng bởi một sự việc bất ngờ, hy hữu. Chuyện là, lúc từ đỉnh núi xuống, đến lưng chừng, thấy một khoảnh đất khá bằng phẳng, bên cạnh là một bụi tre xanh tốt, chúng tôi quyết định ngồi nghỉ, hút thuốc và “chém gió” cho tới tận khi mặt trời khuất núi. Chợt ai đó trong chúng tôi (hay cả ba cùng lúc không nhớ nữa) phát hiện dưới gốc tre là…một bộ hài cốt, trông thì đoán là đàn ông, khá to con. Người chết vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo bộ đội, với cái mũ cối bên cạnh. Đặc biệt, hai tay vẫn còn ôm khẩu súng AK, ngón tay trỏ đặt trên cò súng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn… Sau một hồi quan sát “hiện trường”, chúng tôi xuống núi, đi thẳng đến trụ sở Công an phường sở tại để “báo án”…Về sau này, trên cơ sở tư liệu do Công an cung cấp, nhà báo Phùng Ngọc Dũng, đồng nghiệp ở Báo Quảng Ninh, đã viết thành chuyện vụ án khá ly kỳ. (Chỉ có điều, trong câu chuyện, chúng tôi bị “biến” thành ba nhà khảo cổ học đi điền dã. Hỏi thì nhà báo Phùng Ngọc Dũng cười, bảo: “- Thế cho nó hấp dẫn!” (He he ). Và tôi còn nhớ, vì việc này, ba chúng tôi được Trưởng Công an thị xã Hồng Gai lúc bấy giờ là ông Trịnh Đình Ái “thưởng nóng”… 30.000 đồng, đủ để làm một chầu rượu thịt chó, không chỉ cho 3 chàng, mà còn thêm cả vợ con “ăn theo” nữa…
Ấy là nhân việc nọ lại nhớ việc kia thôi, còn chuyện đi du lịch gặp xác chết chắc chỉ là hy hữu, và cũng chẳng ai mong cả. Tôi kể chuyện này chỉ là để nhớ về một thời núi Bài Thơ còn đang kỳ bí trong mắt khách tham quan. Không như bây giờ, nhìn núi “lọt thỏm” bên những tòa nhà cao tầng, cảm giác như bị hẫng hụt. Ấy vậy mà ai đó còn định làm thang máy để lên núi thì khác gì đi dạo để tham quan một… hòn non bộ vậy!
Anh Quốc
Liên kết website
Ý kiến ()