Tất cả chuyên mục

Sau một năm có dịp trở lại xã Đồng Rui (Tiên Yên), chúng tôi ngỡ ngàng vì thấy mọc lên nhiều nhà cao tầng. Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho hay: Những ngôi nhà xây mới này, phần nhiều là của những người làm nghề bắt vạng. Vậy mà chỉ hơn một năm về trước, nhiều người làm nghề này còn phải lo chạy ăn từng bữa...
Có rừng ngập mặn là có tất cả
Hai bên con đường vào Đồng Rui là những cánh rừng đước, sú, vẹt xanh mướt trải dài mênh mông. Hiện rừng ngập mặn (RNM) chiếm chiếm tới 55,3% diện tích đất tự nhiên toàn xã. Nhiều người dân ở đây bây giờ gọi RNM là “rừng xoá đói giảm nghèo”. Vậy mà có thời cách đây chưa xa, hàng trăm ha rừng này được đưa vào “sổ tử”, chặt phá phục vụ cho công cuộc đắp đầm nuôi tôm ở xã. Chủ tịch UBND xã kể: Trước năm 1975, xã có khoảng 3.000ha RNM. Đến năm 1997, với chủ trương phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là nuôi trồng thuỷ sản, UBND huyện đã ký quyết định cho một số hộ dân tại địa phương và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng thuê đất đắp đầm nuôi tôm. Hậu quả, một diện tích lớn RNM bị khai tử. Cùng với việc phá rừng đắp đầm, nhân dân trên địa bàn còn khai thác các cây trong RNM làm củi đun, đẽo vỏ cây để nhuộm lưới chài, muối hải sản... Đến năm 2000, RNM của xã chỉ còn 1.523ha, cùng với đó nguồn lợi thuỷ sản cũng suy giảm, con vạng ít dần và suýt biến mất.
Rất may, chính quyền địa phương đã nhận thức được việc làm sai, thấy rõ giá trị to lớn của RNM mang lại, nên đã tranh thủ huy động mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển RNM trên địa bàn. Nhờ đó đến nay đã có hàng trăm ha RNM được khôi phục, diện tích rừng hiện có là 2.750ha. RNM ở Đồng Rui rất đa dạng và phong phú về hệ động thực vật, có tác dụng lớn trong việc phòng hộ, chống xói lở, rửa trôi bãi triều, chống bão, lũ...; là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của rất nhiều loài tôm, cá, nhuyễn thể, chim cò và các loài côn trùng, bò sát. Đặc biệt con vạng ở đây rất nhiều, mang lại nguồn thu lớn cho người dân.
![]() |
Số vạng bắt được trong một ngày của mẹ con chị Khúc Thị Huyền, thôn Trung, xã Đồng Rui (Tiên Yên). |
Nhà nhà đi cào vạng
Toàn xã hiện có 655 hộ với 2.438 khẩu, thì có tới hơn 80% làm nghề đánh bắt thuỷ sản. Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao ban ngày mà rất nhiều nhà đóng cửa im lìm, không thấy bóng dáng người dân đi ngoài đường, anh Ngô Quốc Chiêu, Trưởng thôn Bốn cho biết: “Giờ này người dân đi cào vạng ngoài bãi triều hết rồi. Cứ sáng sớm là họ đã vác cào, đeo giỏ ra các bãi triều để bắt vạng...”. Quả thật, ngoài đường chúng tôi chỉ gặp mấy cụ già hoặc những người buôn bán. Ngay trong chính vụ cấy, nhưng trên các cánh đồng cũng chỉ lác đác vài người, họ đều tranh thủ cấy cho nhanh để còn về đi bắt vạng.
Những thanh niên trai tráng thì đi tàu xa hơn để bắt, có khi họ đi hàng tuần mới về, mỗi chuyến về khoang lại đầy ắp vạng và ốc. Ngay cả những em học sinh cũng tranh thủ nghỉ hè theo bố, mẹ đi bắt vạng. Nhiều gia đình có đến 4-5 người làm nghề cào vạng, như gia đình chị Nguyễn Thị Linh thôn Hạ, bốn mẹ con chị ngày nào cũng đi cào vạng từ sớm. Em Nguyễn Thị Huyền, con chị Linh cho biết: “Cứ đến dịp nghỉ hè hay mùa vạng em lại tranh thủ theo mẹ và các bạn ra các bãi triều bắt vạng...”.
Dẫn chúng tôi ra bãi triều để xem người dân cào vạng, anh Chiêu cho biết thêm: “Nếu các anh tầm này đến nhà để tìm hiểu, thì không gặp đâu, phải ra các bãi triều hoặc đợi họ đến chiều”. Quả thật, trên những bãi triều nhấp nhô, thấy rất nhiều người đang hì hục cào bới, tiếng nói chuyện vang động cả một quãng sông. Họ dùng một chiếc cuốc nhỏ dài chừng 50cm cào đi cào lại trên những bãi đất để những con vạng lộ ra và bắt. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, mặt mũi lem luốc bùn đất, chị Khúc Thị Huyền, thôn Trung, cho biết: “Cả xã đều sống nhờ vào con vạng. Trước đây còn ít, nhưng từ khi RNM được phục hồi, thì vạng xuất hiện nhiều hơn, giờ nhà nhà đi bắt vạng. Con vạng có quanh năm, nhưng tập trung nhiều từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch. Bắt vạng cũng phải theo con nước, là khi thuỷ triều xuống, nhiều hôm đi từ 2 giờ sáng đến tối mịt mới về...”.
Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, bóng những người cào vạng trên bãi triều như những “con cò cặm cụi bờ sông”, họ chịu khó lội từ bãi triều này sang bãi khác, có khi lội bộ mấy cây số để bắt vạng, cũng chỉ mong cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Đổi đời nhờ con vạng
“Một vốn tám lời” đó là câu nói của nhiều người dân ở đây khi chúng tôi đề cập với họ về nghề này. Đơn giản, chỉ cần một chiếc cuốc mua ngoài chợ giá 35 nghìn đồng (có thể dùng được 3-4 năm), một chiếc giỏ 30 nghìn đồng, là có thể đi cào vạng, kiếm được 200-300 nghìn đồng/ngày. Có những người bắt giỏi hơn, ngày có thể kiếm tiền triệu, chí ít cũng 500-600 nghìn đồng/ngày. Nếu nhà có 3-4 người đi cào vạng, thì một ngày cũng kiếm được trên một triệu đồng, vì vậy mà nghề cào vạng thu hút rất đông người dân, dần trở thành nghề chính của người dân xã đảo.
Chị Phạm Thị Hoàn, thôn Trung, một chủ đại lý chuyên thu mua vạng, cho biết: “Bình quân một ngày, một người cũng bắt được 40kg, người giỏi hơn thì được 70-80kg. Vạng được chúng tôi thu mua với giá 6-7 nghìn đồng/kg và đưa đi khắp các chợ trong tỉnh. Một ngày gia đình tôi thu mua 4-5 tạ, cá biệt có những đợt thu 4-5 tấn/ngày”.
Vạng là loài nhuyễn thể to hơn con ngao, sống nhiều ở các bãi triều ven biển. Ngoài bắt vạng, thì người dân nơi đây còn đánh bắt tôm, cá, ngán, sá sùng, ốc đĩa, ốc đỏ... Nhiều gia đình đã đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để khai thác nguồn lợi thuỷ sản này. Hiện toàn xã có gần 30 tàu công suất đánh bắt thuỷ sản.
Nghề cào vạng đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người dân xã đảo Đồng Rui, hiện tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,46%, thấp nhất huyện. Người dân không còn phải lo chạy ăn từng bữa nữa, nhiều nhà đã thoát nghèo, đổi đời từ con vạng, xây được nhà cao tầng kiên cố. Anh Phùn Phu Sềnh, dân tộc Dao ở thôn Bốn, năm nay mới 30 tuổi, nhưng đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang nhất, nhì xã đảo, cho biết: “Trước kia tôi ở Hà Lâu, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi chuyển ra đây, có ruộng cấy lúa, lại thêm nghề cào vạng, nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Vợ chồng tôi đã có của ăn của để, xây được ngôi nhà kiên cố này...”. Anh Chiêu bảo: “Thu nhập của người đi bắt vạng gấp 10 lần chúng tôi ấy chứ. Có khi tôi về bàn với vợ không buôn bán, làm ruộng nữa, mà đầu tư cái cuốc, xách cái giỏ, hai vợ chồng đi cào vạng cũng tha hồ sống...”. Có thể đây chỉ là lời nói vui của vị trưởng thôn, nhưng không thể phủ nhận nguồn lợi từ con vạng mang lại cho người dân nơi đây. Điều cần thiết là xã cần tổ chức đánh bắt, kết hợp với bảo vệ nguồn lợi hợp lý để phát triển bền vững nghề này.
Đức Hiếu
Ý kiến ()