Tất cả chuyên mục

Trong VHNT, cái mà người ta “kiêng kị” nhất, đó là sự bắt chước. Và vì thế, chẳng ai trong giới văn nghệ sĩ lại công khai tự nhận rằng tác phẩm của mình đã bắt chước một tác phẩm nào đó của ai đó... Thế nhưng, có một công việc “bắt chước” đã trở thành một nghề được xã hội công nhận. Với họ, “bắt chước” càng giống, càng “y như thật”, càng được coi là giỏi nghề! Ấy là nghề chép tranh...
“Muốn bắt chước cũng không đơn giản”...
Tôi bước vào một gallery tranh sơn dầu trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long) đúng lúc 2 hoạ sĩ chép tranh ở đây đang miệt mài bên giá vẽ. Không gian chừng 20m2 có vẻ như khá chật chội bởi những đồ nghề của họ như bút lông, bột màu, mẫu khung v.v.. chất ngổn ngang, bừa bộn. Và đặc biệt, trong căn phòng nhỏ ấy, những bức tranh được bày la liệt, không khác gì một căn phòng triển lãm mĩ thuật của các danh hoạ nổi tiếng, nào là Van Gogh, Levitan, Bùi Xuân Phái, Phan Thu Trang… và nhiều hoạ sĩ tên tuổi khác. Chỉ có điều tất cả chỉ là tranh chép lại.
Xưởng vẽ này có 4 người, đều quê ở Nam Định. Xuất thân từ một làng nghề thủ công mĩ nghệ nổi tiếng thuộc huyện Xuân Trường (Nam Định), họ vốn đã được truyền những kỹ thuật cơ bản về hội hoạ trước khi đến với nghề chép tranh. Có người đã bôn ba Hà Nội, Sài Gòn, khi tay nghề đã khá vững mới quyết định neo lại Quảng Ninh. Vì như họ nói, dù sao ở đây cũng dễ sống hơn vả lại được gần nhà hơn!
![]() |
Anh Ngân - vừa là chủ, vừa là thợ chính của gallery Hoàng Ngân (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long). |
Những ngày đầu bước vào nghề này với nhiều người không phải không có những “nỗi niềm riêng”… Anh Ngân, chủ một gallery tranh sơn dầu, chia sẻ: “Mình luôn có một chút gì đó mặc cảm, vì dẫu sao cũng từng học mĩ thuật, từng có mơ ước sẽ sáng tác được một cái gì đó… Vậy mà giờ lại phải cầm cọ chép tranh của người khác để kiếm sống...”. Cách đây mấy năm, khi đang học mĩ thuật ở TP Hồ Chí Minh, anh đã làm việc cho một phòng tranh ở Sài Gòn - một trong những thị trường tranh chép sôi động nhất Việt Nam. Tranh ở đây chủ yếu bán cho khách Tây du lịch. Dân Sài Gòn rất sành tranh, họ chơi tranh có gu và cũng khó tính trong việc chọn tranh. Mỗi lần khách hàng không vừa ý về sản phẩm thì những người làm thuê như anh lại bị ông chủ chửi mắng, trừ tiền công. Cơ cực lắm nhưng cũng chính việc chép tranh đã mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm trong nghề như cách pha màu, dựng khối… - những thứ rất cần thiết cho một sinh viên mĩ thuật. Thu nhập từ chép tranh còn giúp anh có tiền để trang trải cho những ngày sống và học tập tại Sài Gòn…
“-Hồi ấy, khi còn là sinh viên thì đi chép tranh thuê là để học thêm về nghề và quan trọng hơn là để có thêm thu nhập… Nhưng học xong rồi sao anh lại vẫn tiếp tục theo đuổi nghề này?” - Tôi hỏi.
Anh Ngân trầm ngâm: “-Cô hỏi thế cũng phải! Với các hoạ sĩ, ai chẳng mơ có những tác phẩm nổi tiếng của riêng mình. Nhưng nói thật, “cơm áo không đùa với khách thơ” đâu. Ngay cả các hoạ sĩ thực thụ hiện cũng khó kiếm sống được bằng tranh do mình vẽ ra, trong khi đó khách hàng lại chuộng tranh chép hơn vì giá thành rẻ. Loay hoay kiếm việc rồi cuối cùng tôi đã quyết định gắn bó lâu dài với nghề chép tranh và nhận thêm việc tư vấn thiết kế, thi công non bộ, sân vườn, tiểu cảnh v.v.. Tất nhiên, tôi vẫn dành thời gian sáng tác đôi ba bức tặng bạn bè...”.
![]() |
Trong nghề chép tranh, khách hàng là thượng đế. Trong ảnh: Chủ gallery Hoàng Ngân chuẩn bị giao một tác phẩm tranh chép cho khách. |
Khác với những người coi chép tranh là một nghề để gắn bó lâu dài, qua câu chuyện với hoạ sĩ Vũ Quý, Chi hội trưởng Chi hội Mĩ thuật, Hội VHNT Quảng Ninh, lại cho thấy một góc nhìn khác về nghề này. Ông kể: “-Hồi đầu tôi cũng phải lấy việc chép tranh làm bước đệm để nuôi nghề. Nhưng đối với tôi, mục đích chủ yếu vẫn là để tìm ra nét riêng, phong cách riêng của từng danh hoạ, qua đó để mình học hỏi, luyện tay nghề. Nhiều hoạ sĩ lớn như Even Degas, Van Gogh, Henri Matisse… cũng đã từng chép tranh của các hoạ sĩ đàn anh rồi mới tạo được phong cách riêng đấy thôi. Tuy nhiên, theo ông, khi tự mình vẽ một bức tranh, dù có ngô nghê thì đó cũng là cái ngô nghê của chính mình. Còn chép tranh là một nghề kiếm sống đơn thuần, vì mục đích kinh doanh chứ không phải vì mục đích nghệ thuật. Nghề chép tranh giống như “bánh mì” để nghệ sĩ “lấy ngắn nuôi dài”. Do đó, chép tranh chỉ là “bước đệm”; một hoạ sĩ nếu đi lâu trên con đường này sẽ “rất nguy hiểm”, vì nó khiến anh ta bị quen tay, mà sự quen tay sẽ giết chết sự sáng tạo... Hoạ sĩ Vũ Quý cũng cho biết thêm: “Một hoạ sĩ có thể phải mất mấy tháng trời, thậm chí hàng năm, để hoàn thành một bức tranh. Công việc ấy xuất phát từ nhu cầu nội tại, còn người chép tranh chỉ vẽ khi có nhu cầu của khách hàng. Ngoài năng khiếu vẽ, đức tính tỉ mỉ, cẩn thận, chủ yếu người chép tranh thành công nhờ sự quen tay. Một bức tranh chép chỉ cần giống mẫu khoảng 70-80% là đạt yêu cầu. Khi vẽ quen tay, có những bức tranh chỉ vẽ nửa ngày là hoàn thành, cũng có những bức cần 3-4 ngày, nhiều lắm là 1-2 tuần sẽ xong xuôi, tuỳ theo độ khó và kích thước của tranh...”.
Nói chép tranh chỉ là “sự quen tay”, nhưng nó vẫn cần có năng khiếu hội hoạ. Người chép tranh vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định về bố cục, màu sắc và cũng phải trải qua 3 công đoạn chính: Dựng hình khối, lót nền, cuối cùng mới là chép lại theo tranh mẫu… Nhưng đúng như hoạ sĩ Vũ Quý nói, vì đây là công việc kinh doanh nên dẫu sao “khách hàng vẫn là thượng đế”. Màu sắc của tranh phải hài hoà để tạo nên vẻ đẹp cho bức tranh, nhưng trên hết vẫn phải là để thoả mãn các yêu cầu của khách hàng… Thông thường khi chép tranh, người chép luôn chú ý pha màu sắc tươi tắn hơn một chút so với tranh mẫu để bức tranh bắt mắt hơn, chỉ trừ tranh chân dung thì phải giống hệt. Anh Quang Minh, chủ một gallery tranh sơn dầu ở TP Hạ Long cho biết thêm: “Tranh chép rất đa dạng, có tranh thời kỳ Phục hưng, tranh đồng quê, tranh của các danh hoạ theo trường phái ấn tượng, trừu tượng… Ngay bản thân các tay chép tranh chuyên nghiệp cũng phân ra theo từng gu khác nhau như các hoạ sĩ sáng tác. Có người chỉ chép được tranh của các hoạ sĩ Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân hay Bùi Xuân Phái; có người rất giỏi chép lại các bức tranh Phục hưng của các danh hoạ châu Âu, lại có người chỉ chuyên tâm chép tranh thuỷ mặc, tranh cổ của Trung Quốc v.v..”.
“Nghề này “sống được” nhưng không giàu...”
Để hiểu được giá trị một bức tranh, người xem tranh phải có phông văn hoá và nền tảng tri thức nhất định. Bởi ẩn sau mỗi đường nét, màu sắc là tâm trạng, là nỗi đau, niềm vui, là thông điệp của chính người sáng tạo ra nó. Số lượng khách hàng am tường nghệ thuật như thế không nhiều. Do vậy, tranh chép bao giờ cũng hướng về thị hiếu số đông, hướng đến những gì dễ cảm nhận, đại chúng và phục vụ mục đích trang trí nhà cửa là chính. Các bức tranh chép hầu hết đều có màu sắc tươi sáng (tranh phong cảnh đồng quê, làng, phố, vịnh Hạ Long, tranh Thiên chúa giáo v.v..). Và nhìn chung, những bức tranh chép thường có giá khá rẻ. Tuỳ theo kích cỡ, những bức tranh chép có giá dao động khoảng 400.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng/bức.
“-Làm nghề này trăn trở về kinh tế nhiều hơn là nghệ thuật. Giai đoạn đầu mới mở gallery ở Hạ Long, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do lượng tranh Trung Quốc tràn lan” - Anh Quang Minh, chủ Art Gallery Minh Tiến, chia sẻ. Tranh của Trung Quốc được in bằng máy trên gỗ ép rồi phẩy thêm chút màu để tạo cảm giác thật hơn. Nhờ đó, họ có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm giống hệt nhau, tương đương bản mẫu và bán với giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 500.000 đồng đến 700.000 đồng là có thể sở hữu một bức tranh lớn. Tuy nhiên, do tranh Trung Quốc được sản xuất công nghiệp, nhìn xa thì đẹp, nhưng nhìn gần lại rất nhanh chán mắt. Chính vì vậy, khách hàng nay không còn mặn mà lắm với dòng tranh này và họ quan tâm đến tranh chép của các gallery nội nhiều hơn.
Bớt đi một chút lo lắng về tranh Trung Quốc nhưng những người làm nghề chép tranh vẫn chưa hết thấp thỏm về thu nhập của mình. Giá cả hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, nhưng riêng giá tranh không hề tăng. Cách đây 10 năm, một bức tranh chép bằng sơn dầu kích thước 60x80(cm) có giá khoảng 800.000 đồng thì nay vẫn thế, mặc dù đồng tiền đã mất giá rất nhiều. Tranh chép bằng chất liệu sơn dầu hiện nay cũng không dễ bán. Một phần do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhà nhà thắt chặt chi tiêu; một phần do các loại tranh thêu, tranh đá quý, tranh đồng, tranh ảnh điện… xuất hiện nhiều, khiến thị trường tranh sơn dầu ở Quảng Ninh bị thu hẹp lại. Nếu như trước đây dòng tranh sơn dầu chiếm tới 80% thì nay chỉ còn khoảng 20%. Chính vì vậy, không phải gallery nào mở ra cũng tồn tại được, một số đã buộc phải đóng cửa và chuyển nghề…
Những người bước chân vào nghề chép tranh hầu hết là sinh viên mĩ thuật, hoạ sĩ trẻ, cũng có những thợ tay ngang… Điểm chung của họ là kinh tế eo hẹp hoặc giỏi lắm cũng chỉ ở mức bình bình. Đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, cũng như một số gallery khác, những ông chủ xưởng vẽ như anh Minh, anh Ngân v.v.. phần lớn đều vừa là chủ vừa là người làm chính của xưởng. Trong câu chuyện của họ có một chút gì đó chua chát về nghề kiếm cơm của mình: “Đã hết cái thời đi làm thuê cho người ta, giờ mở được gallery riêng thì cái khó của nghề vẫn chưa hết” - Vừa cầm cọ hoàn thành nốt một bức tranh thiếu nữ thời Phục hưng theo mẫu khách giao, anh Ngân vừa trò chuyện với tôi. Khi tôi tò mò muốn biết về mức thu nhập của anh em trong xưởng, anh chỉ cười trừ, bảo: “Thu nhập từ nghề chép tranh có khi không bằng thợ xây đâu cô ạ. Nhưng vì mê nghề vẽ nên cứ làm thôi. Nghề này có thể sống được nhưng không giàu”…
Một ngày mưa ảm đạm, 2 trong số 4 thợ vẽ xin về quê, liệu họ có tiếp tục trở lại để theo đuổi nghề này hay không? “Bắt chước” thì vẫn đang miệt mài “bắt chước” cốt để làm vừa lòng khách hàng. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết họ vẫn luôn hy vọng đến một lúc nào đó gallery của mình sẽ không chỉ bán những bức tranh chép với giả rẻ mà trên quầy hàng sẽ có cả những tác phẩm nghệ thuật đích thực… Tất nhiên, để làm được điều đó cần có sự cố gắng sáng tạo của chính họ. Và cần cả sự quan tâm về thị hiếu của khách hàng. Mà điều này, xem ra vẫn còn chưa đến lúc…
Phương Thuý
Ý kiến ()