Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:26 (GMT +7)
Nghề đan lưới ở Tân An (Quảng Yên)
Chủ nhật, 01/08/2021 | 10:53:29 [GMT +7] A A
Phường Tân An (TX Quảng Yên) là nơi có nghề đan lưới truyền thống. Theo người dân địa phương, nghề đã tồn tại trong nhân dân từ lâu đời cùng với nghề đánh bắt thủy hải sản của bà con nơi đây, nhưng đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nghề mới thực sự phát triển.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, nghề lưới nơi đây vẫn đứng vững, sản phẩm của những người thợ đan lưới Tân An không những được sử dụng ở khắp vùng biển tỉnh Quảng Ninh, mà còn mở rộng thị trường đến các địa phương trọng điểm về nghề cá ở khắp ba miền.
Bà Đỗ Thị Liên ở khu Thống Nhất 1, phường Tân An đã gắn bó với nghề đan lưới từ năm 18 tuổi, đến nay tròn 50 năm bà làm công việc này. Bà học nghề đan lưới từ bố mẹ đẻ của mình, sau này đi lấy chồng, hai ông bà lại cùng làm nghề đan lưới, vá lưới. Các con trai lớn lên đều đi làm nghề chài lưới, và dụng cụ sản xuất này đều do đôi bàn tay của hai ông bà tạo nên.
Đôi tay thoăn thoắt, mắt không rời khỏi mũi chỉ trên chiếc lưới được làm hoàn toàn thủ công, bà Liên cho biết công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết nên tùy từng chiếc lưới mà bà vá phải mất từ 2 đến 3 ngày mới xong. Vì đã làm nghề lâu năm nên mọi kỹ năng đan, vá bà đều thuần thục, dù làm thủ công nhưng mắt lưới rất đều nhau.
Bà Liên cho biết ở Tân An hiện nay hầu hết các cơ sở đi vào sản xuất lưới tập trung theo công nghệ mới, đan và vá lưới theo cách thủ công thế này đến nay chỉ còn gia đình bà.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty TNHH Tân Vân hiện là cơ sở sản xuất lưới lớn nhất trên địa bàn phường Tân An. Doanh nghiệp này đã có 25 năm hoạt động, chuyên sản xuất các loại lưới giã ván khơi, lưới vét, cánh ván giã, lưới kéo, túi đầm, túi đáy, te xiệc... phù hợp với mọi ngư trường trong nước.
Chị Lưu Thị Vân, Giám đốc Công ty cho biết, ban đầu cơ sở của chị chỉ nhận sửa chữa lưới cho bà con trong xã, sau thấy nghề này có điều kiện phát triển, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất với nhiều chủng loại lưới ngày càng đáp ứng nhu cầu các phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện cơ sở đang thu hút và tạo việc làm cho vài chục lao động địa phương...
Là nghề truyền thống có nhiều cơ hội phát triển, nhưng nghề đan lưới Tân An cũng đang có phần mai một. Bởi lẽ, lực lượng lao động địa phương muốn theo và gắn bó với nghề hiện nay đang giảm dần. Lao động trẻ đi học nghề và lựa chọn những công việc khác, thay vì trở về quê hương gắn bó với nghề đan lưới. Phần lớn lao động địa phương làm nghề đan lưới hiện nay là phụ nữ ở độ tuổi 30 đến 40, công việc phù hợp điều kiện sức khỏe với thu nhập trung bình.
Một phần khác, do nhu cầu của khách hàng cũng giảm bớt trước tình hình kinh tế khó khăn chung, các hộ sản xuất lưới cá như Công ty TNHH Tân Vân đã chuyển sang sản xuất thêm một số mặt hàng khác như lưới sân bóng đá, bóng rổ, lưới bãi biển… với mục tiêu duy trì nghề để tạo việc làm cho các nhân công địa phương.
Những ngày giữa hạ, đến phường Tân An, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương với những tiếng thoi dệt lưới vang lên lách cách khắp nơi. Toàn phường hiện có hàng chục hộ chuyên sản xuất, kinh doanh bằng nghề này, trong đó có nhiều hộ đầu tư máy móc chuyên nghiệp. Mỗi cơ sở làm lưới thường có hàng chục lao động thường xuyên. Công việc làm lưới được chia thành từng công đoạn do các thành viên phụ trách như đan, dập chì, đan lưới, vào phao..
Có thể nói, nghề đan lưới cá đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của hoạt động đánh bắt thuỷ sản nơi đây. Đằng sau những chuyến tàu ra khơi đánh bắt là sự đóng góp âm thầm của những người thợ ngày đêm cần mẫn với công việc đan lưới, công cụ không thể thiếu của người ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi.
Minh Thương
Liên kết website
Ý kiến ()