Tất cả chuyên mục

Vốn là một địa phương có lợi thế về biển, có truyền thống vươn khơi nên nghề đóng tàu biển của xã Tiến Tới cũng đã có nền móng từ lâu. Trải qua nhiều biến động của nghề sông nước, đến nay, nghề đóng tàu biển đã được khôi phục, mở rộng và trở thành một trong những mũi nhọn trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Khôi phục và phát triển
Từ xa xưa, người dân ở các xã ven biển đã có truyền thống đánh bắt bằng tàu thuyền, kéo theo nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền xuất hiện để phục vụ nhu cầu tại chỗ cho bà con, đặc biệt là ở 2 xã Phú Hải và Tiến Tới. Những xưởng tàu đầu tiên xuất hiện ở xã Tiến Tới được hình thành từ năm 1989 nhưng với hình thức và quy mô nhỏ lẻ, không đủ sức đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con ngư dân cũng như khả năng đương đầu với những khó khăn về kinh tế nói chung. Đặc biệt, khi nguồn tài nguyên đã bắt đầu cạn kiệt, diễn biến thời tiết xấu và nhu cầu thoát ly của ngư dân càng cao trong điều kiện kinh tế xã hội mới nên nghề đóng tàu gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Những lao động lành nghề đang hoàn thiện chiếc tàu trọng tải 22CV tại Hợp tác xã sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Huyền Hà. |
Kể từ năm 2000, nghề đóng tàu bắt đầu phát triển trở lại. Từ những rừng sú có bãi bồi thuận lợi cho tàu vào sửa chữa hoặc hạ thuỷ tàu mới, người dân xã Tiến Tới đã tôn tạo lại để làm xưởng đóng tàu. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 4 xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Hầu hết, các xưởng này vừa thực hiện đóng mới, vừa sửa chữa và gia công làm máy hoặc lắp máy mới cho các tàu có công suất từ 150CV đến 220CV.
Thị trường tại chỗ là một thuận lợi để nghề đóng tàu có thể phát triển lâu dài. Nguồn lao động lành nghề và sẵn có cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển nghề đóng tàu ở Tiến Tới. Với kinh nghiệm lâu năm, các thợ thuyền ở đây có tay nghề cao, khi thành lập các xưởng đóng tàu, các chủ xưởng không phải tốn nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lao động mới. Anh Dương Văn Nhẹ, thôn 3 cho biết, gia đình anh đã có truyền thống đóng tàu thuyền từ 4-5 đời nay. Hiện tại anh đang làm chủ 1 hợp tác xã gồm 2 xưởng đóng tàu với hơn 20 lao động. Bên cạnh những lao động lành nghề, xưởng của anh cũng có thêm đội lao động chuyên những khâu phụ như đội sảm thuyền gồm hơn 10 lao động trong xã. Bà Phương, thôn 3 tâm sự: “Để xưởng có thể thu hút khách hàng, phát triển lâu dài thì cần có đội ngũ lao động lành nghề và lâu năm. Vì thế, chúng tôi luôn hài hoà mối quan hệ giữa chủ xưởng - công nhân để họ gắn bó lâu dài, nâng cao tay nghề, tạo nên uy tín cho xưởng”.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề, nhưng các xưởng đóng tàu ở Tiến Tới vẫn gặp những khó khăn chung của nền kinh tế. Một trong những khó khăn lớn của các xưởng đóng tàu là nguồn vốn đầu tư. Để phục vụ cho công việc của xưởng, các chủ xưởng phải đầu tư đủ cơ sở vật chất với các loại máy chuyên dụng với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu. Đầu tư cơ sở vật chất diễn ra liên tục bởi trong quá trình hoạt động, các xưởng thường xuyên thay mới các thiết bị bị hư hỏng. Với nguồn nguyên liệu không sẵn có, các xưởng phải nhập gỗ từ Quảng Bình, thậm chí nhập lại gỗ từ Lào nên chi phí vận chuyển cao hơn nhiều, cộng thêm sự cạnh tranh giữa các xưởng khiến giá thành đóng tàu cũng thấp, dẫn tới lãi suất cho mỗi chiếc tàu giảm đáng kể…
Hướng tới phát triển bền vững
Với lợi thế ven biển, xã Tiến Tới xác định ngành ngư nghiệp là mũi nhọn để phát triển kinh tế, trong đó chủ chốt là sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề đóng tàu nói riêng và của nền kinh tế địa phương nói chung, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp phát triển bền vững. Một trong những cách làm hay để phát triển bền vững nghề đóng tàu là xây dựng các hợp tác xã, thu hút nhiều thành phần tham gia. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện hướng dẫn người dân vay vốn theo chương trình nông thôn mới để người dân có thể mạnh dạn đầu tư vào xây dựng, mở rộng xưởng. Tháng 11-2013, Hợp tác xã sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Huyền Hà được thành lập, đánh dấu một bước quan trọng cho sự đổi mới về tư duy và hình thức nghề đóng tàu thuyền tại xã Tiến Tới. Ông chủ nhiệm Hợp tác xã sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Huyền Hà cho biết, trung bình 1 năm, HTX đóng mới gần 20 chiếc và sửa chữa trên 10 chiếc tàu, thu nhập đầu vào từ 400-500 triệu đồng. Đối tượng khách hàng chủ yếu là tại địa phương.
Năm 2013, tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường, nguồn nguyên vật liệu nhưng vẫn là một năm thành công đối với nghề đóng tàu của địa phương. Ông Đinh Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiến Tới khẳng định, nghề đóng tàu của xã đang tiến tới phát triển bền vững. Năm 2013, sản lượng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đạt 390/300 tấn, vượt 30% so với chỉ tiêu đặt ra. Để thúc đẩy phát triển bền vững nghề đóng tàu nói riêng và tiểu thủ công nghiệp nói chung, ông Hùng cho biết, xã sẽ triển khai thành lập một tổ hợp tiểu thủ công nghiệp đóng mộc dân dụng (bao gồm đóng mới, sửa chữa cửa nhà, boong tàu…).
Không chỉ ở Tiến Tới, mà ở xã Quảng Phong và một vài địa phương khác trên địa bàn Hải Hà đang phát huy lợi thế từ ngành nghề truyền thống, trong đó có đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Đây thực sự điều kiện tốt và là yếu tố quan trọng để góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế của địa phương cũng như mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và lộ trình xây dựng NTM hiện đại.
Vân Hải
Ý kiến ()