Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:24 (GMT +7)
'Nghề làm tôm khô' Cà Mau được đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thứ 5, 06/04/2023 | 15:51:57 [GMT +7] A A
Cà Mau đề nghị công nhận 'nghề làm tôm khô' là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu được công nhận thì đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 5 của tỉnh, sau đờn ca tài tử, nghề gác kèo ong, muối ba khía ở Rạch Gốc và nghệ thuật nhạc trống lớn.
Ngày 6/4, ông Trần Hiếu Hùng - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - cho biết đơn vị vừa gửi hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận "Nghề làm tôm khô Cà Mau" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Nếu được công nhận thì đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 5 của tỉnh này, sau đờn ca tài tử, nghề gác kèo ong, muối ba khía ở Rạch Gốc và nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Nghề làm tôm khô ở Cà Mau đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và cung cấp ra thị trường hàng chục tấn tôm khô mỗi năm. Sản phẩm tôm khô Cà Mau cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2011.
Theo người dân Cà Mau, nghề làm tôm khô được bà con ở Cà Mau phát triển từ thời khai khẩn đất hoang. Tôm khai thác làm khô chủ yếu là những loại tôm đất, tôm bạc sống trong môi trường sông tự nhiên hoặc tôm chì, tôm sắt được khai thác từ biển.
"Ông nội tôi làm tôm khô, đến cha tôi rồi giờ đến tôi cũng kế nghiệp. Lúc trước tôm nhiều vô số kể, không làm khô cũng chẳng biết làm gì. Tuy trước tôm khô nhiều nhưng giá rẻ và làm cũng cực nhọc.
Giờ đây lượng tôm làm khô tuy ít nhưng bán được giá, có máy móc, nhà kính phơi sấy hỗ trợ nên có thể làm tôm khô được quanh năm, không sợ trời mưa", anh Hồng Chí Tâm - chủ cơ sở sản xuất tôm khô lớn nhất nhì Cà Mau ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển - chia sẻ.
Tôm khô Cà Mau hiện nay đa phần được sản xuất thủ công truyền thống. Cụ thể đem luộc, phơi khô bằng nắng tự nhiên, cho vào bao đập vỏ và lựa phân cỡ.
Một số cơ sở sản xuất quy mô lớn hiện cũng bắt đầu đưa công nghệ chế biến theo hình thức công nghiệp vào sản xuất tôm khô để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao hơn truyền thống.
"Làm tôm khô phải chịu được cực khổ, thức từ 3h sáng để luộc tôm cho kịp sáng phơi nắng sớm, sau đó đập vỏ, bỏ đầu và sàng lọc phân cỡ. Tuy cực nhưng bù lại tôm khô Cà Mau có tiếng ngon ngọt, bán được giá cao, lúc nào cũng đắt hàng.
Nếu nghề làm tôm khô được công nhận di sản văn hóa phi vật thể thì chắc chắn giá trị con tôm khô sẽ tăng lên, người làm nghề tôm khô sẽ có cuộc sống tốt hơn, tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề", chị Hồ Thị Mỹ, ấp Đức An, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()