Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:13 (GMT +7)
Nghệ nhân đan mũ lá tre Kiều Đức Minh
Chủ nhật, 08/09/2024 | 16:29:04 [GMT +7] A A
Tiên Yên là vùng đất còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như Dao, Tày, Sán Chỉ… Người dân nơi đây cũng gìn giữ, duy trì một số nghề thủ công mây, tre đan. Ở thôn Bắc Lù, xã Hà Lâu, ông Kiều Đức Minh, người dân tộc Tày, hiện là nghệ nhân duy nhất trong xã còn giữ được nghề đan mũ lá tre truyền thống.
Gia đình ông Kiều Đức Minh đã khôi phục lại nghề làm mũ lá tre từ vài năm nay. Ngoài đan mũ rộng vành theo kiểu dáng truyền thống, ông còn tìm tòi sáng tạo ra những mẫu mã mới để đáp ứng những yêu cầu khác nhau của người dùng.
Mũ lá tre là một vật dụng quen thuộc của đồng bào các dân tộc ở Tiên Yên, được sử dụng nhiều trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt. Những chiếc mũ theo đồng bào lên nương rẫy, trẻ em cũng đội mũ lá đến trường. Chiếc mũ lá không chỉ là vật để che mưa, che nắng mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa, gắn bó suốt cuộc đời của mỗi người.
Những chiếc mũ được đan rất kỳ công, qua nhiều công đoạn và được làm hoàn toàn thủ công. Để làm ra một chiếc mũ hoàn chỉnh phải mất từ 1-2 ngày, chưa kể thời gian hong khô. Mũ được đan 2 lớp, gồm có lớp khung tre phía dưới đan thưa hơn để tạo dáng mũ, sau đó đan lớp trên với mắt đan dày hơn để tăng độ thẩm mỹ cho mũ. Giữa 2 lớp khung và lớp nan tre này sẽ được lót một lớp lá tre rừng, bản to, dai và bền hơn hẳn lá tre thông thường. Lá tre sẽ được xử lý bằng cách luộc, sau đó để khô rồi lót phía trong mũ.
Vừa thoăn thoắt đôi tay hoàn thiện chiếc mũ đan dở, ông Kiều Đức Minh vừa chia sẻ: Người dân Tiên Yên trước kia chỉ đan các loại mũ, nón lá tre rộng vành. Tôi đã mày mò tìm tòi cách đan mũ lá tre dựa trên mẫu dáng mũ cối hiện nay để mũ có sự nhỏ gọn và tiện dụng hơn, phù hợp trong các hoạt động của đời sống.
So với nón lá thì việc đan mũ lá tre khó hơn nhiều vì nón chỉ cần khung thẳng nhưng với kiểu dáng mũ có độ uốn cong thì đòi hỏi ở người làm sự khéo léo và kinh nghiệm, vừa đan vừa uốn, siết nan để tạo dáng cho mũ. Mũ làm xong sẽ được mang ra phơi từ 3-4 nắng hoặc gác trên bếp cho khô để tránh ẩm mốc. Chiếc mũ hoàn thiện có thể được ông Minh quét thêm một lớp sơn phủ bóng để tăng độ thẩm mỹ và giữ cho mũ được bền đẹp hơn.
Có lẽ chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc mũ lá tre của đồng bào dân tộc Tày huyện Tiên Yên được đánh giá là sản phẩm thủ công độc đáo, thể hiện bàn tay khéo léo, trình độ thẩm mỹ của người nghệ nhân.
Những sản phẩm đan lát, đặc biệt là sản phẩm mũ lá tre do ông Minh tạo ra được xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên xác định sẽ phát triển để trở thành sản phẩm lưu niệm du lịch gắn với bản văn hóa xã Hà Lâu.
Ông Lã Văn Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, cho biết: Để việc sử dụng các sản phẩm, đồ dùng đan lát truyền thống của người dân không bị mai một, xã cũng đã động viên các nghệ nhân tham gia bảo tồn các sản phẩm thủ công từ mây tre đan. Đến nay, gia đình ông Kiều Đức Minh đã khôi phục nhiều sản phẩm, từ mũ, mẹt, quang gánh, lồng gà… tham gia chợ phiên Hà Lâu và đóng góp vào phát triển du lịch cho xã.
Chiếc mũ lá do ông Kiều Đức Minh làm ra hiện diện tại các phiên chợ như là một minh chứng cụ thể cho nét độc đáo của đất và người nơi vùng núi cao, đồng thời thể hiện sự sáng tạo của con người trong việc tận dụng những vật liệu từ tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình, sống dựa vào thiên nhiên và hài hòa với thiên nhiên.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()