Tất cả chuyên mục

Khi người ta đua nhau chơi chim, nuôi cá, trồng cây cảnh - những sinh vật sống - thì ông lại miệt mài với công việc “thổi linh hồn” cho những gốc cây đã chết. Ông mang những gốc cây khô về gọt tỉa rồi đặt tên cho nó. Với ông, chơi gốc lũa không phải để mưu sinh mà đơn giản vì nó là cái thú của riêng mình. Ông là nghệ nhân Đinh Viễn, Phó Chủ tịch Hội VHNT Tiên Yên...
Trong một lần trò chuyện cùng ông, tôi tò mò hỏi:
- Ông mê cái “món” gốc lũa này từ khi nào vậy?
+ Từ bao giờ tôi cũng không nhớ rõ nữa. Chỉ biết hồi còn đang dạy học đã “lọ mọ” vác mai đi đào rồi. Sau này, khi nghỉ hưu thì tôi có nhiều thời gian để đầu tư cho nó hơn. Nhớ có lần vào rừng thấy người ta vứt mấy gốc cây đi, nhìn nó cũng hay hay, thế là nhặt về đẽo chơi…
- Người ta bảo, chơi sinh vật cảnh công phu hơn, nhìn có sức sống hơn; ai không đủ kiên nhẫn và không có kỹ thuật mới đi chơi gốc lũa… Ông có nghĩ thế không?
![]() |
Nghệ nhân Đinh Viễn. |
+ Tôi không nghĩ thế! Mỗi người có một sở thích, riêng tôi, tôi thích kiếm tìm những gốc cây khô về tỉa tót. Nói là lười biếng, không có đủ kiên nhẫn thì thật sai lầm! Để có tác phẩm lũa đẹp, phải lọ mọ lên rừng, trèo đèo, lội suối, rồi đào bới v.v.. vất vả lắm đấy. Nhưng đó mới là công đoạn đầu, còn phải soi xét xem làm thế nào cho đẹp… Thoạt nhìn, tưởng gốc củi khô vô tri. Ấy vậy nhưng mỗi gốc cây đều có tiếng nói riêng, có linh hồn cả đấy. Nó cũng uốn éo, lả lướt, cũng cựa quậy đó thôi. Này nhé, kia là con đại bàng tung cánh, kia là con rồng đang bay lên, kia lại là thiếu nữ…
- Theo ông, những gốc lũa khác các hàng thủ công mỹ nghệ khác ở chỗ nào?
+ Anh cũng biết đấy, hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt, dập khuôn trăm cái như một. Những gốc lũa này thì lại là “hàng độc”, không thể tìm được một cái thứ hai giống nó. Thú thực, nhiều lúc tôi thấy nó đẹp, nó hay nhưng cũng chẳng biết gọi tên là gì, chẳng hiểu đây là gốc cây gì nữa. Gốc lũa đẹp trong sự nguyên sơ tự nhiên và thô mộc của nó. Nếu có can thiệp thì cũng chỉ là đẽo gọt đôi chút, chứ không ai làm thô bạo cả. Bởi thế, một năm nọ, có anh bán hàng rong mang con đại bàng to tướng vào nhà tôi giới thiệu. Tôi cứ để anh đó thoả sức nói rồi mang gốc lũa có hình đại bàng của mình ra. Anh này giật mình không còn giới thiệu được gì nữa. Khoái quá, anh gạ tôi bán. Tôi không bán. Cảm mến tôi, anh đã tặng lại con đại bàng thủ công kia. Tôi để đó như một kỷ niệm…
- Trong số những gốc lũa đã làm, cái nào ông ưng ý nhất?
+ Cái nào tôi cũng quý, nhưng thứ ưng ý nhất thì tôi để ra chỗ trang trọng nhất nơi phòng khách còn trưng bày mà hãnh diện chứ (cười). Số là lần ấy tôi vào rừng, thấy bên suối trồi lên một phần gốc cây, đoán biết nó đẹp nên hì hục đào. Đào xong, nặng quá, phải chạy về nhờ người nhà ra chuyển giúp. Từ đấy, tôi tỉa tót đẽo gọt nâng lên đặt xuống, bàn bạc mãi mà không ra kiểu gì, thế gì cho đẹp. Bỗng một hôm có ông bạn đến chơi thốt lên: “-Lạ thật, rõ ràng có một cô gái đang khoả thân mà không ai nhìn thấy!”. Tôi mừng rơn như bắt được vàng, đặt lại thế cây và bắt đầu cắt đi chỗ dư thừa rồi sơn phết. Và đặt bên bàn uống nước, nâng niu như “con cưng” của mình vậy...
- Có bao giờ ông bán một trong những đứa con cưng của mình không?
+ Cho đến giờ thì chưa! Có một người Nhật trả tôi bốn ngàn đô để lấy cái con nghê từ gốc cây kia, nhưng nhất định tôi không bán. Nhưng… tặng thì có. Nếu có ai đó thực sự ý hợp tâm đầu và hiểu về gốc lũa thì chỉ tặng chứ không bán bao giờ…
- Cảm ơn ông và xin chúc ông có nhiều tác phẩm đẹp hơn nữa.
Phạm Học
Ý kiến ()