Tất cả chuyên mục

Không biển hiệu, không cửa hàng và cũng không có xưởng sản xuất, góc làm việc của ông chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ trong căn phòng chưa đến 10m2, nhưng những sản phẩm vàng, bạc được chế tác bởi bàn tay tài hoa của ông lại rất nổi tiếng. Ông được hầu hết giới kinh doanh kim hoàn từ Quảng Ninh đến Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí là TP Hồ Chí Minh biết đến như bậc thầy trong “làng” chế tác vàng, bạc…
* Cha truyền, con nối
Ông tên là Nguyễn Văn Thấn. Nhà ông ở tổ 7, khu I, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Đó cũng đồng thời là “xưởng” - nơi để ông chuyên chế tác, gia công những thành phẩm từ vàng, bạc. Gọi là xưởng cho oai, chứ thực ra đó là ngôi nhà tầng với một gác xép nhỏ. Nhà bám mặt phố, nên gian nhà duy nhất ở dưới tầng 1 rộng chưa đầy 10m2, được ông tận dụng vừa cho mấy cô thợ may thuê làm cửa hàng, vừa để làm “xưởng”. Góc làm việc của ông kê một chiếc máy cán nguyên liệu và hai chiếc bàn gỗ nhỏ, cũ kỹ, trên bày la liệt: Đèn xì, ve chạm, đục, búa…
![]() |
Ông Thấn dồn hết tâm huyết và công sức vào tác phẩm. |
Tôi và một đồng nghiệp tìm đến nhà ông khi cả thành phố đã lên đèn. Mấy cô thợ may thuê nhà ông vừa dọn hàng về, chỉ còn trơ trọi lại chiếc máy khâu và vài xấp vải. Ông Thấn với cặp kính lão vừa to, vừa dầy, choán gần hết khuôn mặt, vẫn cặm cụi tỉa tót từng chi tiết nhỏ cho chiếc kiềng bạc khách đặt hàng từ hôm trước. Bên cạnh ông là mâm cơm đậy lồng bàn đã nguội ngắt từ khi nào. Trong không gian im ắng ấy, thỉnh thoảng lại nghe tiếng xì xì của chiếc đèn xì nhả những ngọn lửa màu xanh lét “liếm” lấy chiếc kiềng bạc. Thấy khách đến, ông ngơi tay, dương mục kỉnh, gật đầu chào, rồi lại tiếp tục cặm cụi với phần công việc đang dang dở.
Ông Thấn sinh ra và lớn lên ở làng nghề Đồng Sâm (nay là thôn Thượng Gia, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Quê ông vốn là làng nghề nổi tiếng trong trạm khắc, chế tác đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý. Ông kể, quê ông, nhà nào cũng có người theo nghề này, nhưng vì nghèo, không có vốn, nên họ chỉ là những người làm thuê cho các cửa hiệu lớn. Riêng ông là đời thứ 5 trong gia tộc duy trì và nối nghiệp cha, ông. Đưa tay chỉnh lại cặp kính, ông Thấn chậm rãi nói với chúng tôi: “Trong mỗi gia đình, nghề được truyền lại cho các con trai từ đời này tiếp nối đời sau. Cụ thân sinh ra bố tôi là một thợ giỏi có tiếng ở đất Hà Thành. Cụ đã từng được vời vào triều đình để chế tác đồ trang sức cho các vị vua, chúa trong cung. Còn tôi, bắt đầu học việc từ năm 12 tuổi”. Kể đến đây, ông ngừng hẳn công việc, đưa mắt dõi ra cửa như hồi tưởng lại quá khứ. Thời ông học việc không phải đóng học phí, còn được chủ hiệu nuôi cơm, nhưng cũng rất vất vả, cơ cực mới thành tài. Ban đầu, ông được học làm những công đoạn đơn giản như cán nguyên liệu, làm bóng sản phẩm. Dần dần ông được học uốn sản phẩm, chạm, khắc, thúc nổi… Ngày ấy, đồ trang sức chủ yếu được yêu cầu chế tác theo các điển cố, điển tích cổ hoặc phong cảnh như: “Anh hùng tương ngộ”, “Lã Bố, Điêu Thuyền”, “Tùng, cúc, trúc, mai”, “Mai, hồng, điệp”… Vì vậy, một sản phẩm thường có rất nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi độ tinh xảo trong mỗi hoạ tiết, đường nét. Vốn thông minh, có khiếu thẩm mỹ và được sở hữu đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, chỉ 1 năm sau ông đã trở thành thợ có tay nghề khá của cửa hiệu. Hết thời gian học nghề, ông lại “khăn gói” theo cha lên Hà Nội làm thuê cho các cửa hiệu vàng, bạc lớn. Có giai đoạn, quê ông rộ lên việc một vài gia đình trong cùng họ tộc hoặc anh, em bạn bè thân hữu góp vốn để mở tiệm vàng (mô hình giống như Công ty cổ phần bây giờ). Gia tộc ông cũng mở được một tiệm kim hoàn nho nhỏ. Từ Hà Nội, ông trở về quê để quản lý và chế tác sản phẩm cho cửa hiệu của gia tộc. Tiệm vàng đó duy trì chưa được bao lâu thì Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã (HTX). Ông lại xoay sang làm việc cho HTX Mỹ nghệ Việt Hồng. Đến năm 1958, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu để bảo vệ thủ đô. “5 năm trong quân đội, không có cơ hội được cầm cái ve chạm, cái búa, cái đục cũng nhớ nghề lắm. Cứ hễ không cấm trại, tôi lại lang thang lên phố Hàng Bạc, vào nhà mấy người quen chỉ để nhìn họ làm” - Ông Thấn nói. Vì thế, vừa rời quân ngũ, ông đã xin trở lại HTX Mỹ nghệ Việt Hồng để tiếp tục làm công việc ông yêu thích. Ông đã được HTX cử đi học tại Trường Cán bộ thủ công nghiệp Trung ương (Hà Nội). ở đó, ông được dạy bài bản về cách tính chi tiết thời gian để làm được một sản phẩm; cách định giá tiền công cho một sản phẩm; sáng tạo các mẫu sản phẩm để các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng, bạc làm theo… Thời gian này ông cùng với các bạn học tham gia làm cả Huân, Huy chương cho Đảng, Nhà nước.
* Vang danh nhờ tài hoa và chữ tín
![]() |
Rất đông khách hàng đã tìm đến “bàn tay tài hoa” của ông Thấn, nhất là những dịp cuối năm. |
Sản phẩm đầu tiên ông làm giúp người hàng xóm là một mặt dây chuyền chạm trổ hình “Rồng trầu mặt nguyệt”. Nhờ sản phẩm này, ông bắt đầu nổi danh ở đất Quảng Ninh. Tiếng lành đồn xa, người dân ở khắp nơi trong tỉnh, thậm chí cả những người trong giới kinh doanh vàng, bạc cũng mang nguyên liệu tìm đến ông để đặt làm sản phẩm. Vừa làm bảo vệ ở Mỏ Than Hà Tu (nay là Công ty Than Hà Tu), ông vừa tranh thủ nhận làm thêm. Dẫu vậy, khi trả sản phẩm ông rất đúng hẹn và đảm bảo nguyên liệu của khách hàng mang đến dù qua uốn nắn, chạm trổ vẫn không hao hụt một ly. Ông bảo, đã làm nghề, nhất là với nghề liên quan đến vàng bạc thì chữ tín vô cùng quan trọng. Chỉ cần mất tín một lần sẽ mất hết khách hàng. Nhờ giữ chữ tín và cũng nhờ những sản phẩm ông làm ra đều đẹp, bền, tiền công rẻ, mà khách hàng tìm đến ông mỗi ngày mỗi đông. Không chỉ có người trong tỉnh, mà rất nhiều khách ngoại tỉnh từ Hải Phòng, Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. “Tôi không phải là dân kinh doanh, nhưng nghe tiếng bác Thấn từ rất lâu rồi. Năm nào tôi cũng đến đặt một vài sản phẩm đồ trang sức về cho con cái, họ hàng sử dụng. Mọi người đều rất thích. Còn riêng với các tiệm vàng, khi tôi đến trao đổi, mua bán, không cần giới thiệu, chỉ nhìn qua là họ biết sản phẩm của bác Thấn. Có tiệm họ tin tưởng không cả cần cân đo đong đếm lại. Và những sản phẩm này, thông thường tôi bán rất được giá” - bà Trịnh Thị Vĩnh, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), một khách hàng thường xuyên, lâu năm của ông Thấn cho biết. Cũng chung nhận xét về các sản phẩm của ông Thấn, chị Dương Thanh Thắm, chủ tiệm một tiệm vàng ở Cột 8, TP Hạ Long nói: “Thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, nhưng những sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo, cầu kỳ thì lại ít có. Nhiều khách hàng của tôi rất khó tính, họ không thích những mẫu mã trên thị trường, mà yêu cầu phải là những sản phẩm làm thủ công. Để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng này, tôi thường đặt hàng bác Thấn. Và tôi đã đặt hàng bác trong suốt 10 năm nay rồi. Sản phẩm bác Thấn làm ra rất được khách hàng ưu chuộng, vừa đẹp, vừa bền, tiền công lại rẻ. Đó còn chưa kể đến việc bác luôn giữ chữ tín về thời gian, cũng như chất lượng và định lượng của sản phẩm”.
Để làm được một sản phẩm trang sức từ vàng, bạc cần qua rất nhiều công đoạn: Cân đong nguyên liệu; tính toán số liệu cho đủ độ dài ngắn; cán nguyên liệu; đo, cắt nguyên liệu; kẻ vẽ, tạo hình; thúc nổi hoa văn; chạm trổ; sửa, rũa; uốn; làm đồ phụ; làm trơn; tẩy rửa; làm bóng mới ra thành phẩm. Với những sản phẩm làm theo mẫu, chẳng hạn như những bức tranh phong cảnh hoặc phỏng theo các câu chuyện cổ tích, thì người thợ kim hoàn cần phải tính toán chi tiết để làm sao với một diện tích có hạn, có thể mô phỏng được mẫu trên sản phẩm, mà người xem vẫn thấy được cái hồn của những nhân vật, hoạ tiết trong đó. Bởi vậy mà người làm nghề chế tác vàng bạc luôn phải có tính tính tỷ mỉ, cẩn thận, cần cù, chịu khó. Bên cạnh đó, phải có khiếu thẩm mỹ và tính sáng tạo cao. Đưa cho chúng tôi xem một món đồ trang sức bằng vàng tây hình chữ C, bọc răng nanh hổ, trên chạm trổ con rồng đang uốn lượn, ông Thấn nói: “Bây giờ ít người có nhu cầu làm những sản phẩm có hoạ tiết theo các điển cố, điển tích như thời xưa, mà chủ yếu thích những cái mới, lạ. Vì thế mà thợ chế tác đồ trang sức thời nay phải không ngừng sáng tạo. Như cái anh khách hàng này, mang nguyên liệu đến rồi yêu cầu tôi muốn hoạ tiết gì thì hoạ tiết, nhưng phải thiết kế cho sản phẩm của anh ấy ra một hình chữ cái. Loay hoay mất mấy đêm không ngủ, cuối cùng tôi làm hình chữ C. Để hài hoà, thì phải hoạ tiết con rồng uốn lượn. Đây là con vật thiêng của dân tộc ta, biểu tượng cho sự may mắn, dũng mãnh”.
Với hơn 50 năm làm nghề, ông Thấn đã trở thành bậc thầy trong lĩnh vực chế tác đồ trang sức từ vàng, bạc. Ông đã từng giúp đỡ, đào tạo hàng chục thợ kim hoàn trẻ cho các tiệm vàng lớn, nhỏ trong cả nước. Thế nhưng đến thời điểm này, ông cũng chưa được ghi danh là nghệ nhân. Những người biết ông vẫn thấy tiếc về điều đó và thường gọi ông là nghệ nhân “hữu thực, vô danh”. Nhưng ông chỉ cười và nói: “Quan trọng gì đâu, nghệ nhân cũng chỉ là một danh hiệu mà thôi. Điều tôi vui là được mọi người biết đến, tin tưởng và yêu thích sản phẩm tôi làm ra. Cái tôi buồn và tiếc nhất hiện nay là không có người duy trì và tiếp nối cái nghề truyền thống này của dòng họ”. Ông Thấn có 4 người con (2 trai, 2 gái) nhưng giờ chỉ có duy nhất người con gái út đang ở bên cạnh để phụ việc cho ông. Còn 2 người con trai đều không đủ kiên nhẫn và kiên trì để làm công việc mà ông đang làm. Khi chúng tôi hỏi ông về những dự định trong thời gian tới, ông tâm sự: “Tôi sẽ ráng làm thêm vài năm nữa rồi “rửa tay gác kiếm” để nghỉ ngơi. Có tuổi rồi mắt mờ, chân chậm xem ra không còn phù hợp với công việc đòi hỏi sức khoẻ, nhanh mắt, nhanh tay như nghề này được. Liệu có thể duy trì được nghề truyền thống của gia tộc hay không có lẽ cứ để phó mặc cho số phận vậy”…
Ý kiến ()