4
18
/
954662
Nghề săn "vàng ròng" ở Minh Châu
longform
Nghề săn "vàng ròng" ở Minh Châu

 

 

Khi được hỏi nghề đào sá sùng có từ bao giờ, ngay cả những người cao tuổi nhất xã đảo Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn) cũng không thể nhớ nổi. Họ chia sẻ rằng, khi được sinh ra đã thấy ông, bà, bố, mẹ đi biển đào sá sùng về làm thực phẩm cho những bữa ăn hàng ngày hoặc để trao đổi lấy những thực phẩm khác. Và cứ thế, cha truyền con nối, nghề đào sá sùng được gìn giữ đến tận hôm nay. Có điều chắc chắn, bây giờ nghề đào sá sùng không phải chỉ phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân ở đây nữa...

 

 

 

Nói về nghề đào sá sùng ở Vân Đồn, ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, khẳng định: Tuyến xã đảo Minh Châu, Quan Lạn là nơi khởi nguồn, bởi khu vực bãi triều 2 xã có nhiều sá sùng cư trú, sinh sản. Sá sùng khu vực này to, dày mình và khi chế biến thành các món ăn cũng thơm, ngon hơn ở mọi khu vực khác.

Tò mò trước nghề đào sá sùng của người dân địa phương, sau khi nhận được sự gợi ý của ông Kiên, chúng tôi sửa soạn đồ đạc và lên đường. Sau khoảng 45 phút di chuyển bằng tàu cao tốc từ cảng Cái Rồng, chúng tôi đến được xã đảo Minh Châu. Diện mạo đô thị, đời sống dân sinh xã đảo nay khác hẳn so với những năm trở về trước vì du lịch phát triển. Tuy nhiên, không vì thế mà nghề đào sá sùng của người dân xã đảo bị mai một, thất truyền. Có chăng chỉ giảm số người đi đào vì chuyển công việc sang làm dịch vụ, du lịch và sá sùng cũng không còn được nhiều như trước.

Ông Nguyễn Thành Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, cho biết: Ở đây, người dân có sự phân vai, phân nhiệm rõ ràng. Trong gia đình, mỗi người làm một việc, không ai giống ai. Đàn ông đi tàu đánh lưới, chạy xe điện đưa đón khách du lịch, làm các công việc nặng nhọc khác, còn phụ nữ làm công việc nội trợ, đồng áng và đào sá sùng trên các bãi triều.

 

Theo sự chỉ dẫn của ông Sang, chúng tôi tìm đến gia đình bà Trần Thị Nuôi, người có kinh nghiệm đào sá sùng thuộc diện lâu năm nhất làng, cái nghề đã gắn bó bằng gần chính tuổi đời 72 của bà. May mắn cho chúng tôi, khi đến đúng vào thời điểm bà Nuôi vừa đi thu mua sá sùng của người dân trên các bãi triều trở về, đang chuẩn bị để sơ chế sá sùng tươi thành sản phẩm khô. Ở cái tuổi xế chiều, nhưng tác phong của bà Nuôi vẫn nhanh nhẹn lạ thường. Tất cả những công việc thu mua, sơ chế sá sùng đều do một mình bà đảm nhận. Trung bình mỗi ngày, bà sơ chế đến cả chục cân sá sùng tươi, sau đó sấy khô. Theo bà, cứ 12-14kg sá sùng tươi sau khi sơ chế, sấy khô, mới được 1kg sá sùng khô.

Vì biết chúng tôi muốn viết về cái nghề đã gắn bó lâu đời với những người dân xã đảo, bà Nuôi mạnh dạn, thẳng thắn chia sẻ, bởi với bà, nghề đào sá sùng cần phải được các thế hệ con cháu biết đến, lưu truyền và có biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tái tạo nguồn lợi.

Cầm trên tay những con sá sùng to, dày mình, sắp thành sản phẩm khô, bà Nuôi kể: Nghề đào sá sùng được coi là vất vả đối với những người phụ nữ xã đảo, bởi cả ngày họ phải đi trên bãi triều, dầm mưa, dãi nắng. Để đào được 1kg sá sùng tươi, trung bình mỗi người phải đi bộ trên các bãi triều chừng 10km. Trước đây khi còn thời con gái và khỏe mạnh, mỗi buổi tôi đào được đến cả chục kg là chuyện thường. Nhưng nay đã có tuổi, nguồn lợi sá sùng khan hiếm dần, nên tôi không đi đào nữa, mà chuyển sang thu mua sá sùng cho bà con hàng xóm ngay tại các bãi triều.

 

Bà Nuôi cũng cho biết thêm, công đoạn sơ chế sá sùng tươi thành sản phẩm khô rất phức tạp. Sá sùng sau khi đào về được rửa sạch và lộn ruột, loại bỏ hết cát trong bụng. Tiếp đến sẽ được trần qua nước đun sôi 20oC, sau đó để ráo nước và sấy khô. Công đoạn này rất quan trọng, bởi nếu không cẩn thận sá sùng sẽ không vàng đều. Thời gian sấy khô trên bếp than khoảng 3-4 tiếng, tùy thuộc bếp cháy to hay nhỏ.

 

Do không nắm bắt được con nước thủy triều lên xuống nên chúng tôi không ra được các bãi triều theo chân những người phụ nữ đi đào sá sùng, đành để sang ngày hôm sau. Nhận lời đề nghị của chúng tôi, sáng sớm hôm sau, bà Nuôi đưa chúng tôi ra bãi triều cảng Cồn Trụi để trải nghiệm, hiểu được cuộc sống làm nghề của người dân xã đảo.

 

Nhìn thoáng qua, đồ nghề đào sá sùng rất đơn giản, chỉ cần một cái mai (cách gọi của người dân địa phương), cái rổ nhựa có buộc quai để xách, kèm theo là một vài chai nhựa đựng nước uống và đồ ăn nhẹ như khi đói. Từ bờ biển ra nơi có sá sùng để đào cũng phải mất 5-10 phút. Cứ ngỡ khi chúng tôi ra là sớm nhất (khoảng 5h30') nhưng không phải vậy, trên bãi triều đã có đến cả trăm người đang miệt mài tìm tổ sá sùng để đào. Ai cũng bịt kín mặt mũi, đi ủng, đeo găng tay để tránh gió biển và ánh nắng mặt trời.

Bước đi thoăn thoắt của người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, bà Nuôi giảng giải: Không phải ai cũng biết cách đào sá sùng ngay. Trước hết phải biết phân biệt nơi trú ngụ của sá sùng, sau đó kết hợp tay và chân để đưa cái mai vào đúng vị trí của tổ sá sùng đâm sâu xuống, rồi đào lên. Công đoạn này cũng cần phải làm nhanh, nếu không sá sùng chui sâu xuống cát, không đào tới hoặc có được thì sá sùng cũng bị đứt ngang thân. Người đào sá sùng cũng cần phải nhanh mắt quan sát liên tục trên bãi cát để tìm tổ sá sùng.

 

Đúng như những gì bà Nuôi nói, tất cả những người đào sá sùng trên bãi triều đều có bước đi rất nhanh, mặt luôn cúi và nhìn tứ phía để quan sát, tìm tổ sá sùng. Chị Bùi Thị Bến, người cùng làng với bà Nuôi, năm nay 42 tuổi, thấy chúng tôi đi cùng bà với chiếc máy ảnh trên tay đã không giấu nổi sự tò mò và đặt câu hỏi “Các nhà báo hay khách du lịch trải nghiệm đấy?”. Chưa kịp quan sát kỹ hình dáng tổ sá sùng thế nào, chúng tôi đã thấy chị Bến đâm nhanh cái mai xuống sâu, đào lên được một con sá sùng to, chị Bến cho biết, những con to như vậy được coi là sá sùng loại 1. Khi sơ chế thành sản phẩm khô, sá sùng bán sẽ có giá cao hơn, khoảng 4-4,5 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm, cao hơn hẳn cả một chỉ vàng 9999. Chính bởi vậy, những người dân xã đảo nói vui với nhau, sá sùng là “vàng ròng”.

Chị Bến tâm sự: Ngày nào tôi cũng đi đào sá sùng, chỉ trừ hôm ốm đau hay có việc bận gia đình. Với tôi, nghề đào sá sùng đã gắn bó hơn 30 năm nay là công việc không thể thiếu mỗi ngày. Nếu thời tiết thuận lợi cũng đào được 3-4kg sá sùng tươi và được người dân trong làng, xã đứng ra thu mua luôn tại bãi, không phải mất công rao bán. Làm nghề này không giàu, nhưng giúp cho người dân xã đảo mưu sinh ổn định, lâu dài, đủ để trang trải cuộc sống thường nhật.

Kể đến đây, chị Bến trùng lại, trăn trở: Ngày trước sá sùng nhiều lắm, cánh chị em đi đào có khi chỉ 2 tiếng đồng hồ đã được đến vài kg. Nay thuyền bè tận dụng đêm khuya dùng siết điện, cào lòng biển; các dự án nạo vét luồng lạch gần bãi khai thác đã làm sá sùng không có nơi sinh sản, phát triển, nên đã khan hiếm đi nhiều, đào cả buổi sáng mới được có chừng 2kg. 

 

Đây không chỉ là trăn trở riêng của chị Bến, mà là của tất cả người dân đào đào sá sùng trên địa bàn xã Quan Lạn, Minh Châu. Qua nắm thông tin từ chính quyền địa phương 2 xã, được biết, hiện có hơn 600 người đi đào sá sùng. Người có kinh nghiệm, đào giỏi thì cũng được từ 3-4kg sá sùng tươi/ngày; người mới biết đào, chưa có kinh nghiệm chỉ đào được từ 1-2kg. Giá bán trung bình ngay tại bãi từ 250.000-300.000 đồng/kg, tùy thuộc vào từng loại sá sùng to, nhỏ. Nếu một ngày nguồn sá sùng cạn kiệt, không còn nữa, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều hộ dân tại địa bàn 2 xã.

Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, rà soát, quy hoạch vùng bảo tồn, nuôi trồng sá sùng để đảm bảo sự phát triển đa dạng các nguồn lợi thủy sản, phục vụ cho sự phát triển bền vững. Nhưng có lẽ, trước khi những chính sách của tỉnh được thực thi, mỗi người dân xã đảo hãy biết tự bảo vệ nguồn lợi sá sùng tại địa phương bằng chính hành động của mình, tuyệt đối không được khai thác khi sá sùng vào mùa sinh sản; tổ chức giám sát cộng đồng, phát hiện, tố giác những hành động khai thác thủy sản bằng công cụ tận diệt... Có như vậy mới để "vàng ròng" sinh sôi, nảy nở, giữ nguồn lợi cho những thế hệ sau của đảo...

Mạnh Trường
Trình bày: Tất Đạt

[links()]

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu