Tất cả chuyên mục

Thành danh từ một gia đình nghèo khó ở Vùng mỏ, NSND Lê Dung đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường âm nhạc. Nhưng cuộc đời của ca sĩ tài sắc này lại lắm nỗi đa đoan.
NSND Lê Dung sinh ngày 5-6- 1951 tại Quảng Ninh. Bà sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực cầu 1, phường Cao Xanh của TX Hòn Gai (TP Hạ Long ngày nay). Nhớ về những ngày gian khó ấy, bà Nguyễn Thị Hạnh, ở ngõ 50, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long là một người bạn thân cùng ở CLB Thiếu nhi Hạ Long (do nhạc sĩ Bùi Đức Huyên phụ trách) kể: “Hồi ấy, chúng tôi đi hát vất vả lắm. Tôi và Lê Dung là những cô bé con nhà nghèo, thiếu thốn đủ bề cơm ăn chẳng no, áo chẳng đủ mặc. Ấy vậy nhưng chúng tôi mê hát lắm”.
![]() |
Cố NSND Lê Dung tại Hạ Long năm 1994. (Ảnh do bà Bích Nguyên, bạn học của Lê Dung cung cấp) |
Theo lời kể của bà Hạnh, Lê Dung một nửa ngày đi học còn nửa ngày phụ mẹ làm ruộng, gánh rau ra chợ bán. Lúc đó, Lê Dung là một cô bé lớp 8 nhỏ thó, gầy gò xanh xao mà đã gánh được gánh rau rất nặng. Mê ca hát và có năng khiếu, dung mạo lại ưa nhìn nên Lê Dung sớm được mọi người chú ý. Nhạc sĩ Đức Huyên lúc đó làm công tác Đoàn ở Quảng Ninh đã xuống lớp học của Lê Dung và phát hiện ra tài năng này. Ông đưa Lê Dung vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long.
Bà Hạnh kể: Có một lần cả đội của bà và Lê Dung được báo rằng đi hát phục vụ đoàn khách quý. Hát xong đâu đấy rồi, thấy hai người đàn ông lịch thiệp đến xoa đầu khen hát hay nhưng bảo các cháu gầy và xanh lắm, phụ trách phải quan tâm đến các cháu. Sau đó, mọi người mới biết đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Lê Dung bắt đầu năm 17 tuổi khi bà đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học ngành y nhưng lại bỏ không học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, hát trên thao trường, dưới hầm mỏ, hát cho chiến sĩ vững tay súng chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc. Bà Hạnh bùi ngùi kể về chuyện Lê Dung đi diễn theo đoàn đến nỗi cha mất cũng không được về dù cha mẹ bà chỉ có bà là người con duy nhất. Lê Dung ngậm ngùi nhờ bạn mình ở nhà lo hậu sự cho cha. Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và sau đó một năm bà theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.
Đến năm 1982, bà tốt nghiệp thủ khoa và được công chúng yêu nhạc biết đến nhiều hơn. Càng ca hát Lê Dung càng dần khẳng định là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam. Không chỉ thành công với dòng nhạc opera của Việt Nam, NSND Lê Dung cũng là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ và nhạc tiền chiến. Bà hát rất hay nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ v.v.. NSND Lê Dung đã đoạt một số giải thưởng cao quý như: Giải tư cuộc thi quốc tế Những nghệ sĩ hát opera trẻ tổ chức tại Sofia, Bulgaria, Giải thưởng Toulouse, Cộng hoà Pháp, Giải Mùa xuân tại Bình Nhưỡng, Cộng hoà DCND Triều Tiên, Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ). Năm 1984, Lê Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Sau đó, năm 1986 Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô (cũ), nay là Liên bang Nga. Đến năm 1990, bà về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bà cũng là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Năm 1991, bà được Chủ tịch
nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Thành công trong sự nghiệp, nhưng người phụ nữ tài sắc Lê Dung lại rất đa đoan trong trường tình. Bà đã trải qua 3 đời chồng, nhưng vì quá đam mê, quá hy sinh cho sự nghiệp nên đều không yên ấm. Bà phải dừng cuộc rong chơi với âm nhạc đột ngột khi sự nghiệp và tài năng đang đến đỉnh cao. Lê Dung mất ngày 29-1-2001 do tai biến mạch máu não. 15 năm đã qua, kể từ ngày NSND Lê Dung giã từ cõi tạm, nhưng bà Hạnh không thể nào nguôi ngoai nhớ về người bạn của mình. Bà Hạnh bảo nhiều đêm bà vẫn mơ thấy bạn. Bà khó mà quên được người như Lê Dung, người phụ nữ hết lòng vì bè bạn, một nghệ sĩ đã sống đến tận cùng đam mê, dám hy sinh tất cả vì nghệ thuật, luôn biết như ngọn nến cháy sáng hết mình.
Huỳnh Đăng
Ý kiến (0)