Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:15 (GMT +7)
NSND Quang Thọ: Tiếng hát vang vọng từ những thanh âm đất mỏ
Thứ 6, 20/05/2022 | 10:35:41 [GMT +7] A A
Từ một thợ điện trở thành ca sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ tự hào vì mình từng là công nhân mỏ và cảm thấy hào hứng với biệt danh mà nhiều người yêu quý đặt cho ông: “Người công nhân mỏ hát hay nhất”.
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ tên khai sinh là Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1948, tại thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long). Năm 1953, ông cùng gia đình chuyển về Cẩm Phả sinh sống.
Nhớ lại những ngày ấu thơ, ông kể: Tôi sinh ra ở Hòn Gai, năm lên 4 tuổi thì theo bố mẹ về sống ở Cẩm Phả. Bố tôi là thợ điện Nhà máy Cơ khí ô tô Cẩm Phả, mẹ tham gia tổ hợp tác buôn hoa quả, nước ngọt. Nhà tôi đông anh em lại nghèo, tôi là con cả. Hồi đó, tôi học lớp 8, bị thủng dạ dày mà không hay biết. Mãi đến khi tôi bị mất máu nhiều quá, đến nỗi bị ngất đi, mọi người phải đưa đi cấp cứu. Tôi nằm viện mất 1 tháng. Gia đình tôi có 8 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ không còn đủ khả năng để tiếp tục nuôi tôi ăn học. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, tôi dừng việc học, “chữa” giấy khai sinh tăng thêm 2 tuổi để vào làm công nhân ở mỏ than.
Chàng thanh niên Quang Thọ đã trở thành công nhân thợ điện Mỏ than Cọc Sáu, tham gia hoạt động tích cực trong phong trào văn nghệ của công nhân. Ông hồi tưởng: Tôi vào mỏ Cọc Sáu làm thợ tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Tuy ăn lương thợ điện của mỏ than Cọc Sáu nhưng việc chính của tôi lúc đó lại là hát. Trợ cấp đường sữa thay cho cát-xê. Có khi cả năm chỉ đi diễn, hết cho ngành than lại tới các địa phương trong tỉnh. Khi không đi hát, thì về kéo dây điện 3.000V cho máy xúc, máy khoan, máy bơm, rồi sửa cũng các loại máy ấy. Bài hát đưa tôi lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp cũng chính là một bài về thợ mỏ: “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng.
Quang Thọ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm qua các ca khúc về thợ mỏ như: “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân hay “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. "Đó là những bài hát trở thành niềm tự hào của những người Vùng mỏ. Những bài hát về Vùng mỏ và thợ mỏ của những năm 60 của thế kỷ trước lên đến hàng trăm bài mà theo tôi có sức sống vĩnh cửu. Đi đâu, tôi cũng không thể không hát những bài đó. Trái tim tôi lúc nào cũng hướng về Vùng mỏ và người thợ mỏ" - Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ chia sẻ.
Những ngày còn hát ở Vùng mỏ, Quang Thọ và Lê Dung là một đôi song ca ăn ý. Họ cùng hát cho công nhân nghe, giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất. Họ đã hát giữa công trường, hát ngay cả trong những căn hầm, hát dưới màn đêm không ánh sáng đèn chỉ có ánh chớp và tiếng nổ của bom đạn. Vùng than thời ấy vất vả và gian khó, nhưng với Quang Thọ và Lê Dung luôn là vùng đất ân tình, nơi lưu giữ những ký ức rất đẹp. Và như thể chính vùng than, chính những đêm thức cùng thợ mỏ đã tạo ra tiếng hát Quang Thọ, nhiều năm rồi giọng hát ấy vẫn vẹn nguyên một tình yêu quê hương xứ sở. Tiếng hát Quang Thọ đã làm vơi đi sự vất vả của người thợ lò. Và ở chiều ngược lại, chính sự cổ vũ, động viên của những người thợ đã làm cho tiếng hát Quang Thọ được chắp cánh để bay cao, bay xa hơn.
Những ngày bom Mỹ đánh phá miền Bắc, công nhân không được thắp điện, băng chuyền ngừng hoạt động, thợ mỏ vẫn phải dùng cuốc, xẻng khai thác than, đảm bảo tiến độ. Trong đêm tối, Quang Thọ thức trắng, say sưa hát, làm vơi đi những nhọc nhằn của họ. Nắng, gió, bụi than đất mỏ tôi luyện giọng ca, con người Quang Thọ. Ông còn kể những lần đi hát cùng anh chị em, đứng trên xe thùng đi trên những con đường dốc, xóc từ các mỏ Mông Dương đến Uông Bí. Có những hôm ông và các ca sĩ vừa đi, vừa hát, hát các show từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm.
Đầu năm 1971, Quang Thọ có mặt trong đoàn văn công xung kích của Vùng mỏ đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1972, từ chiến trường trở về, ông được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, Quang Thọ trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Đến năm 1987, ông trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông làm Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. Năm 2008, ông nghỉ hưu và mở Trung tâm Đào tạo âm nhạc Quang Thọ.
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ tâm sự: Dù đi đâu, về đâu tôi vẫn luôn nhớ về Cẩm Phả, về Vùng mỏ, bởi nơi đó không chỉ có mái trường tôi đã học, nơi gia đình đã nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành mà còn là nơi đầy ắp những kỷ niệm của một thời để nhớ. Quãng thời gian 8 năm làm công nhân Cẩm Phả là ký ức đẹp theo cả đời tôi. Tình cảm ấm áp ấy tôi không bao giờ quên. Chính những trải nghiệm chân thật về đời sống người thợ đã giúp tôi thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ.
Quang Thọ vẫn hát về Vùng mỏ với những cảm xúc hết sức đặc biệt, vẫn bồi hồi xúc động như thuở đầu tiên hát với thợ lò. Mỗi lần về Cẩm Phả, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ lại lang thang khắp mọi ngóc ngách phố phường. Dường như, ông muốn để cho gió từ Vịnh Bái Tử Long lùa vào trong tóc, để bụi than và mùi biển cả mặn mòi ngấm vào da thịt. Định cư ở Hà Nội đã lâu nhưng tâm trí ông thì luôn hướng về Vùng mỏ. Quang Thọ thường mơ về Vùng mỏ, trong giấc mơ ông có tiếng than rơi, tiếng máy reo, có nụ cười người thợ. Ông chia sẻ: Nếu không theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân thì tôi sẽ trở thành một anh thợ điện, ngày đêm ca hát lạc quan cùng đồng nghiệp trong phong trào nghệ thuật quần chúng.
Nửa thế kỷ ca hát, Quang Thọ đã để lại dấu ấn riêng đậm nét trong các ca khúc, trường ca xếp vào loại “khó hát”. Nhưng khán giả, nhất là khán giả yêu ca nhạc ở Vùng mỏ khi nhớ đến ông là gắn ngay với những bài hát ngợi ca vùng than, ngợi ca người thợ mỏ thân yêu. Cũng nhờ những bài hát đó mà Quang Thọ trở thành số không nhiều trong lớp ca sĩ đầu trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng và đã gặt hái được nhiều thành công cả trong ca hát lẫn sự nghiệp dạy thanh nhạc, đào tạo ca sĩ. Tiếng hát của ông đã vang xa hơn khi đi lưu diễn ở mấy chục quốc gia trên thế giới. Ông đã từng đoạt giải nhất tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức, giải thưởng liên hoan ca nhạc tại Mông Cổ; nhiều huy chương, giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2001.
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố đã tổ chức chương trình "Cà phê nghệ sĩ" số 5 với chủ đề “Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ và những bài ca đi cùng năm tháng”. Chương trình giới thiệu nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có không ít ca khúc về Quảng Ninh và ngành Than đã gắn bó và làm nên tên tuổi Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ. Nghệ sĩ Quang Thọ xúc động kể về những kỷ niệm với Hòn Gai trong đêm nhạc này: Tôi sinh ra ở chân núi Bài Thơ. Nhà tôi làm nghề đục đá nung vôi. Bà nội tôi còn có nghề thắp đèn biển. Năm đó, tôi mới 3 tuổi bà nội tôi cho tôi xuống thuyền rồi bà chèo ra Vịnh Hạ Long để đi thắp hải đăng. Lần đầu tiên tôi được ra biển với bà. Bà nội tôi không biết hát. Để ru tôi ngủ bà chỉ ậm ừ trong miệng tôi nghe chẳng thành lời. Tiếng ậm ừ của bà cùng với sóng nước Hạ Long ì oạp vỗ vào mạn thuyền cộng hưởng với nhau thành những âm thanh ám ảnh tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()