Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 22:15 (GMT +7)
Nghệ sĩ Nhân dân Thụy Vân-“ngọn gió lành vẫn thổi mãi”
Thứ 7, 18/03/2023 | 13:08:13 [GMT +7] A A
Nếu cuộc đời mỗi người thường là một chuỗi những sự tình cờ thì điều làm nên chân dung của mỗi người thường do những khoảnh khắc quyết định. Nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thụy Vân, công chúng thường nhắc đến nhân vật chị Vân trong phim “Nổi gió” (đạo diễn Huy Thành) mà chị vào vai, khắc họa nổi bật hình tượng người chiến sĩ cách mạng, người phụ nữ Việt Nam kiên cường.
Ấn tượng trong phim là cảnh bọn giặc tẩm dầu vào 10 ngón tay chị. Chúng bật lửa, chưa kịp đốt, chính người nữ tù đã đưa cả hai bàn tay vào ngọn lửa. 10 ngón tay cháy rực. Người tù nhân đưa hai bàn tay rừng rực nóng bỏng trước mặt mình. Hành động bất ngờ, vô cùng dũng cảm của chị đã làm bọn giặc kinh sợ.
Hình ảnh đó làm nên tên tuổi và mở đầu cho sự nghiệp diễn xuất của diễn viên Thụy Vân. Để xây dựng được cảnh đó, đạo diễn và cả đoàn phim đã dày công nghiên cứu. Họ được sự giúp đỡ của các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực bỏng. Đầu tiên, họ quấn cho diễn viên Thụy Vân một lớp gạc, bó lấy 10 ngón tay.
Sau đó, họa sĩ của đoàn phim cùng với chuyên gia làm một lớp thạch cao, bó lấy 10 ngón tay chị. Ngoài cùng là lớp giẻ. Rồi tẩm cồn. Thụy Vân, khi đó là một cô gái trẻ, nồng nhiệt và ngây thơ với vai diễn đầu tiên, không biết sợ. Đề phòng bất trắc, đạo diễn và đoàn phim đã bố trí một thùng nước ở bên. Khi đạo diễn hô cắt cảnh, Thụy Vân vội nhúng hai tay vào thùng nước.
Rất may, không có sự cố nào xảy ra. Đó là năm 1966, điện ảnh Việt Nam mới đi những bước ban đầu. Không kỹ xảo. Không có bảo hiểm. Chỉ có lòng đam mê và ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp. Và thành công có giá trị mãi mãi.
Hơn 30 năm trong nghề diễn xuất, NSND Thụy Vân đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng. Đặc biệt, với vai bà Thuận Thành trong phim “Xa và gần” (đạo diễn Huy Thành), Thụy Vân đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7, năm 1985.
Chị nhập vai một người mẹ miền nam, có chồng và con tập kết. Ở lại Sài Gòn, bà Thuận Thành trở thành một nhà tư sản. Năm 1975, miền nam giải phóng, đất nước thống nhất, niềm vui gia đình đoàn tụ ngắn chẳng tày gang, lại xảy ra chuyện cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh. Mâu thuẫn giữa người con dâu tên Hà (Hà Xuyên đóng) và mẹ chồng Thuận Thành căng thẳng dữ dội. Thụy Vân đã diễn tả nỗi đau của nhà tư sản trong cuộc vật lộn với xã hội mới, với những quan điểm khác nhau về cuộc sống. Chị diễn bằng chính cuộc đời và những trải nghiệm của chị. Vai diễn đó đã thuyết phục hoàn toàn Ban giám khảo.
Phần lớn những diễn viên khóa 1 của Trường Sân khấu-Điện ảnh, ngoài tài năng thiên bẩm, còn có tâm hồn trong sáng. Chị Trà Giang vẽ tranh đẹp. Chị Ngọc Lan làm thơ hay. Thụy Vân cũng là một tâm hồn luôn rung động. Sinh thời, chị cho ra mắt hai tập thơ là “Tình đời” (năm 2009) và “Từng giọt ngọt đời”. Cả hai tập như những trang nhật ký đầy cảm xúc của chị.
Khi sang Lào đóng phim “Hai bà mẹ” (năm 1973), chị viết về đất nước và người dân Lào: Đoàn phim tôi đến bản Săng Lẻ/ Như thể anh em ruột một nhà/Chia vắt cơm làm cùng dưa muối/Cả tô canh măng tre rừng già… Và nỗi nhớ cậu con trai nhỏ bé: Lần này mẹ lại xa nhà/ Mẹ đi quay diễn ở xa nước Lào/ Hằng đêm gió vẫn thì thào/ Mẹ nhờ gió thắm ngọt ngào ru con.
Đọc thơ chị, gặp chị đôi lần, tôi mới biết chị được sinh ra trong một gia đình danh giá. Bố chị là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà sư phạm mẫu mực Nguyễn Lương Ngọc. Ông từng là thành viên nhóm “Xuân Thu nhã tập”. Chị có một gia đình luôn ấm êm, tràn đầy hạnh phúc.
Người diễn viên thanh lịch, nền nã ấy luôn quý trọng từng giây phút, từng giọt đời. Thơ của chị không những rất lạc quan mà còn bất ngờ vì ý và tứ rất lạ: Em bế hoàng hôn rải xuống đường/Con đường trải rộng sắc vàng thương/Hoàng hôn hỡi sắc vàng lóng lánh/Vịn sắc màu đi trong không gian…
Những diễn viên nổi tiếng như những ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật. Dẫu ngôi sao đã tắt, nhưng ánh sáng vẫn còn chiếu rọi mãi.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()